Tháng 8 đã đến và ghi dấu ấn 54 năm ngày truyền thống Lực lượng kỹ thuật hình sự (23/8/1957 - 23/8/2011). Tính từ khi ra đời cho đến nay, ngành khoa học hình sự đã đóng góp những thành tựu đáng kể để bảo vệ, thực thi pháp luật.
Trong rất nhiều vụ án hình sự, tội phạm đã tính toán kỹ phương án “tàng hình” khi cẩn thận đeo găng tay, xóa dấu vết hiện trường, tạo hiện trường giả, thủ tiêu chứng cứ... Nhưng bằng kiến thức và phương pháp điều tra khoa học, các chiến sĩ khoa học hình sự đã vạch mặt bọn tội phạm, buộc hung thủ phải cúi đầu nhận tội.
Khởi đầu từ gian khó
Giám định gen (ADN) là phương pháp phân tích các dấu vết, mẫu vật có nguồn gốc con người ở mức độ phân tử bằng các kỹ thuật sinh học phân tử, cho phép truy nguyên trực tiếp cá thể với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Thiếu tá Trịnh Tuấn Toàn cùng đồng nghiệp tiến hành lấy mẫu giám định AND. |
Mỗi khi điều tra về một vụ án hình sự, lực lượng công an đều tổ chức khám nghiệm hiện trường và thu thập tất cả các mẫu vật nghi có liên quan dù là nhỏ nhất. Những chứng cứ này sau đó được Cơ quan CSĐT gửi về Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an để giám định gene (ADN).
Đáp lại, Viện Khoa học hình sự sở hữu một hệ thống thiết bị phân tích ADN rất hiện đại để không phụ lòng tin của các Cơ quan CSĐT trên cả nước. Bên cạnh đó, Viện có một đội ngũ giám định viên có trình độ nghiệp vụ cao, hấp thu kiến thức từ các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực này.
Chia sẻ về những ngày đầu gian khó, Thượng tá Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định sinh học pháp lý cho biết: “Trước năm 1999, Trung tâm Giám định sinh học pháp lý có tên Trung tâm Giám định pháp y - sinh vật. Nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ là giám định các dấu vết có nguồn gốc từ cơ thể người như lông, tóc, chất bài tiết, dịch tiết... Kết quả cuối cùng được truy nguyên ra nhóm máu.
Từ kết luận này, Cơ quan CSĐT có thể loại trừ đối tượng có hay không tham gia vụ án. Tuy nhiên, để xác định đúng đối tượng nghi vấn của vụ án thì phương pháp này còn bộc lộ nhiều hạn chế bởi người có cùng nhóm máu thì nhiều và đối tượng nghi vấn của một vụ án cũng không hề ít”.
Theo Thượng tá Hà, xác định tầm quan trọng của công nghệ giám định ADN trong khoa học hình sự, năm 1997, lãnh đạo Bộ Công an, Viện Khoa học hình sự đã tiếp cận, tìm hiểu để rồi quyết tâm xây dựng Trung tâm giám định gene. “Tôi và hai đồng chí được lãnh đạo cử sang Úc học tập kỹ thuật trong vòng 10 tháng. Sau đó, một nhóm 3 đồng chí nữa được cử sang tiếp cận khoa học kỹ thuật của đội bạn. Cuối năm 1997, lãnh đạo Viện và Bộ Công an nhất trí phê duyệt và xây dựng Trung tâm giám định gene. Ước mơ ấy hoàn thành vào tháng 4/1999” - Thượng tá Hà kể lại.
Ngay khi mới thành lập, trung tâm đã nhận được rất nhiều mẫu giám định của các vụ án cần hỗ trợ. Số lượng mẫu vật giám định cứ tăng dần lên theo năm tháng. Thượng tá Hà cho hay, trung bình mỗi năm lực lượng cán bộ chiến sĩ của trung tâm giám định trên 500 vụ với hơn 1.000 mẫu.
Với hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, công nghệ giám định gene tự động, hệ thống giải trình tự gene AB377, phân tích trên 10 locus gene (là công nghệ hiện đại nhất thời điểm ấy), các kết quả phân tích đạt độ chính xác tới 99,97-99,98%. Nhiều vụ án giết người, xâm hại tình dục, tai nạn giao thông, nhận diện nạn nhân chết trong các vụ hỏa hoạn thiên tai... đã nhanh chóng được xác định.
Đến năm 2006, Trung tâm Giám định sinh học pháp lý được trang bị hệ thống thiết bị kỹ thuật giải trình tự gene AB3130, phân tích 16 locus gene được triển khai. Công nghệ mới giúp nâng độ chính xác của kết quả phân tích lên mức gần như tuyệt đối, tới 99,999999% (tức là gần 1 tỉ người mới có một người trùng). Các kết quả phân tích gene của Trung tâm nói riêng, của Viện Khoa học hình sự nói chung đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả, cung cấp chứng cứ khách quan, chính xác giúp Cơ quan CSĐT xử lý đúng người, đúng tội, rút ngắn thời gian điều tra và đưa hung thủ ra trước ánh sáng của công lý.
Kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm với công việc
Dẫn chúng tôi thăm quan trung tâm giám định gen, Thiếu tá Trịnh Tuấn Toàn tươi cười: “Là lính khoa học hình sự, nhiều khi công việc làm đêm, làm ngày mà vẫn chưa ra được kết quả, lại thấy anh em điều tra cũng túc trực mong chờ kết quả nên mình vừa phải nỗ lực hoàn thành sớm, vừa phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình giám định, tuyệt đối không thể xảy ra bất kỳ sai sót nào. Có lẽ hiểu được điều đó nên anh em trong Trung tâm đều kiên trì, nhẫn nại và thể hiện quyết tâm cao độ với công việc”.
Theo Thiếu tá Toàn, khi các Cơ quan CSĐT gửi mẫu giám định đến, việc đầu tiên của các anh là tiếp nhận mẫu. “Trong thao tác này, chúng tôi phải đặc biệt lưu ý đến phiếu trưng cầu giám định của đơn vị có yêu cầu. Tiếp theo, cán bộ giám định kiểm tra các mẫu có đúng như trong phiếu trưng cầu giám định gửi đến hay không? Một thao tác cũng không thể không nhắc đến là việc kiểm tra nội dung giám định của Cơ quan CSĐT là gì?” - Thiếu tá Toàn nói.
Cũng theo Thiếu tá Toàn, nhiều đơn vị gửi mẫu đến mà không nêu rõ nội dung cần giám định khiến cán bộ giám định phải rất vất vả tìm hiểu lại. Sau đó, mẫu được đưa vào môi trường không bị biến tính và bắt đầu được tách chiết (tùy theo từng loại mẫu).
Theo giới thiệu của Thiếu tá Toàn, giám định gene (ADN) gồm hai loại: Giám định ADN trong nhân tế bào và giám định ADN trong tế bào chất (giám định ADN ti thể). Để truy nguyên cá thể và xác định huyết thống, người ta thường dùng phương pháp phân tích ADN trong nhân tế bào. Lợi thế của phương pháp này là ưu thế về độ chính xác cao, giá thành thấp, các mẫu giám định có thể là lông, tóc (còn tế bào gốc), máu, mô cơ, tinh dịch... chưa bị thối rữa, phân hủy. Trong những trường hợp mẫu cần giám định chỉ còn xương hoặc răng thì người ta dùng đến phương pháp phân tích ADN ti thể.
Mỗi mẫu giám định có một lượng thời gian nhất định và phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt. Có mẫu mất hơn 2 giờ, có mẫu phải tới 2-3 ngày. Chính vì thế, nếu không tìm ra kết quả hay sai sót kỹ thuật là các cán bộ của trung tâm phải làm lại từ đầu.
Khó khăn là vậy, vất vả là vậy nhưng ngày qua ngày, những người làm công tác giám định vẫn âm thầm, tận tụy làm việc để tìm cho ra dấu vết tội phạm, góp phần giữ vững bình yên cho cuộc sống người dân.
Ngọc Trìu