Trước hết là động thái của ông Giám đốc chôn chất thải. Ngay khi bị phát hiện, ông đã kịp thời lấp đất lên chất thải đã đổ, tuyên bố là “xin” về làm phân trồng chuối... Song, cũng như việc lấp đất sơ sài hòng che giấu chất thải của ông, những lời lẽ ngụy biện kia chẳng làm ai tin, sự thật bị phơi bày, ông ta bị dư luận lên án dữ dội.
Tuy nhiên, sự lấp liếm của ông không là gì nếu so với động thái của một vị lãnh đạo ngành môi trường Việt Nam. Vị này, khi được phóng viên hỏi về phản ứng của ông ta như thế nào trước vụ việc này đã bực bội cho biết chỉ đạo xem xét sự việc và nếu không phát hiện độc hại trong chất thải bị đổ ở đây thì “lấy thẻ thằng nhà báo đó”.
Thái độ này thể hiện rõ ràng là muốn lấp liếm vụ này bằng quyền lực và sự đe dọa, nghệ thuật hơn hẳn cái ông Giám đốc tư nhân địa phương đang hoảng loạn kia vì đứng trước một nguy cơ bị truy tố trước pháp luật. Cũng cần phải nói thêm rằng, chính vị lãnh đạo ngành môi trường này, hai tháng trước đây đã có một câu nói để đời với giới báo chí: “Hỏi về nguyên nhân cá chết là làm hại đất nước” cùng với sự khẳng định như đinh đóng vào... bơ: “Formosa không phải thủ phạm gây ra nguyên nhân cá chết!”. Rõ ràng, thái độ đó đã thể hiện một cách nhất quán của một người có trọng trách bảo vệ môi trường trước thảm họa môi trường.
Nhân đề cập nghệ thuật lấp liếm, người ta dễ dàng liên tưởng đến một vụ chấn động dư luận xảy ra ở Viện Nhi TƯ khi bảo vệ mất nhân tính chặn xe cứu thương chở sinh linh bé nhỏ đang hấp hối. Bà Phó Giám đốc không những phủ nhận chuyện này mà còn gay gắt phê phán tài xế xe cứu thương, lái mũi nhọn dư luận sang một hướng khác.
Bà được một nhà báo ở một tờ báo hùa theo để ddưa nghệ thuật lấp liếm lên công luận. Nhà báo này cũng rất hung hăng khi phê phán đồng nghiệp ngay tại cuộc họp báo, tỏ thái độ gay gắt vì đồng nghiệp của ông ta đã đưa vụ này lên báo. Đến giờ thì cả bà “Phó” lẫn ông “Phóng” và cả tờ báo đăng bài “không có chuyện bảo vệ bệnh viện ngăn cản xe cứu thương” ở đâu hết cả mà không xuất hiện dẫu chỉ là một lời xin lỗi suông. Nghệ thuật im lặng đã thế chỗ cho sự lấp liếm rồi!
Những phóng viên không tiếc công sức và không sợ nguy hiểm đã cùng người dân phanh phui những khuất tất chết người được dư luận tung hô, mọi người ủng hộ. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đáng giá cao các phóng viên này và dành sự tưởng thưởng xứng đáng cho họ. Có những người dân bỏ tiền túi đến tận Tòa soạn “thưởng nóng” 20 triệu đồng. Các phóng viên thực hiện phóng sự này cho biết họ sẽ giành một nửa số tiền thưởng này cho người dân tố giác và các trường hợp khác tại địa phương. Chỉ thế thôi cũng đủ hiểu là lòng dân có muốn “lấy thẻ của thằng nhà báo” này không!.