Các gương mặt nghệ sĩ sân khấu, nhất là nghệ sĩ hài, xuất hiện với mật độ khá dày trên các phim truyền hình đang phát sóng. Trên HTV9 lúc 22 giờ 30 đang phát sóng Gia đình số đỏ (đạo diễn Văn Công Viễn) với cặp nhân vật chính trong phim được thủ diễn bởi đôi vợ chồng nghệ sĩ hài Quang Minh - Hồng Đào, bên cạnh đó là sự tham gia lần đầu tiên của danh hài Văn Hiệp với phim truyền hình phía Nam.
Một cảnh trong Gia đình số đỏ - Ảnh: H.K |
Xem Trái đắng (đạo diễn Trần Cảnh Đôn) trên HTV7 buổi trưa có nghệ sĩ Chí Tài (vai ông Dẫu); buổi tối trên HTV3 có Cá rô, em yêu anh (đạo diễn Phương Điền), bộ phim được lồng ghép hơn 60% yếu tố hài hước, với sự tham gia của nghệ sĩ Thanh Thủy, Hữu Châu, Lương Mỹ... Còn trên BTV1 của Bình Dương có phim Lâu đài tình ái (đạo diễn Trần Ngọc Giàu) với sự tham gia của nghệ sĩ Hoài Linh, Chí Tài; đài Vĩnh Long có Anh em nhà bác sĩ (đạo diễn Minh Cao) với sự góp mặt của NSƯT Bảo Quốc. Chưa bàn đến nội dung phim, riêng sự xuất hiện của những tên tuổi này cùng với “đặc trưng” trong lối diễn lâu nay của họ cũng tạo nên sự quan tâm nhất định đối với người xem truyền hình. Nếu Gia đình số đỏ là câu chuyện khá thú vị và hài hước về gia đình ông Ba Phát trong hành trình từ quê lên phố, thì Cá rô, em yêu anh lấy bối cảnh của miền Tây sông nước và kể về quá trình hiện thực hóa ước mơ lập nghiệp - thành danh của những người trẻ. Tuy chưa thật hấp dẫn nhưng 2 bộ phim này đã mang đến cho khán giả những tiếng cười nhẹ nhàng trong giờ nghỉ ngơi, giải trí, từ nét duyên, sự hóm hỉnh trong diễn xuất của các nghệ sĩ (lẫn diễn viên). Và dù kịch bản của Gia đình số đỏ chưa thật sự thuyết phục người xem, thiếu cao trào trong nhiều tình huống..., song có cảm giác như chính sự xuất hiện của 3 nghệ sĩ hài nổi tiếng (Quang Minh - Hồng Đào vai vợ chồng ông Ba Phát, Văn Hiệp vai tổ trưởng tổ dân phố) đã “cứu vãn” câu chuyện phim và níu chân khán giả. Không mang nhiều yếu tố hài nhưng Lâu đài tình ái cũng lôi cuốn người xem vì cái tên “đắt giá” Hoài Linh. Trong vai ông ngoại già yếu, bị bệnh phải ngồi xe lăn (trông thì thấy bi nhiều hơn) nhưng mỗi lời thoại của ông đều chứa đựng những mũi kim làm bà Dung (Thân Thúy Hà, là vợ hai của con rể ông) đau nhức, còn người xem thì khoái chí. Bởi, hài thoại chính là một lợi thế của Hoài Linh. Riêng vai của Chí Tài (chồng bà Dung) trong phim này thì đạo diễn có thể giao cho một nghệ sĩ nào trong độ tuổi phù hợp cũng được, chứ không nhất thiết phải là hài. Và ngay cả vai ông Dẫu của anh trong Trái đắng cũng thế, có thể dành cho nhiều diễn viên khác... Nói như vậy để thấy rằng, không phải có diễn viên hài đóng phim là có yếu tố hài từ nhân vật của họ, và đôi khi nhà sản xuất mời những tên tuổi này để tạo sức nặng cho phim của mình, dù vai diễn ấy chưa tới mức phải do nghệ sĩ hài tham gia, thậm chí có khi không hợp vai. Ví như ở bộ phim sắp phát sóng Nợ đa tình, về nhân vật của Hoài Linh trong phim, đạo diễn Đinh Đức Liêm có lần chia sẻ với báo chí rằng anh không nghĩ nhân vật Hùng Phương sẽ là Hoài Linh, vì đây là một người đàn ông đa tình, như vậy ngoại hình của Hoài Linh đã là không thuyết phục; ngoài ra thế mạnh của Hoài Linh là hài thoại trong khi nhân vật trong phim phải là hài hành động... Nhưng, nhà sản xuất đã chọn thì đạo diễn cuối cùng phải chỉnh sửa đôi chút để “khách mời” vào vai hợp hơn cũng như phát huy đúng sở trường hơn... Dẫu sao, khi mật độ phim truyền hình ngày càng dày, xem “lâm li bi đát” mãi cũng... ngán, thì sự góp mặt, góp tiếng cười của các nghệ sĩ hài trên phim hiện nay cũng góp phần xoa dịu những căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống của người xem.
Theo Nguyên Vân
Thanh Niên
Thanh Niên