Nhiều người vẫn gọi vui ông Hồ Duy Hùng (SN 1947), nguyên chiến sĩ Quân báo Quân khu Sài Gòn - Gia Định với cái tên “không tặc” đầu tiên ở Việt Nam. Ông là tác giả gây nên vụ cướp máy bay trực thăng của quân đội Việt Nam Cộng hoà dẫn đến “vụ án tản thất quân dụng” chấn động Sài Gòn cách đây 40 năm.
Phi vụ táo tợn trước mắt địch
Hồi ức về chiến công lẫy lừng thời trai trẻ, gương mặt người lính quân báo Hồ Duy Hùng vẫn hiện rõ vẻ hồ hởi như thời trai trẻ 40 năm về trước. Ông Hùng là điệp viên được cài cắm hoạt động trong lòng địch từ năm 1968, đã tốt nghiệp Trường sĩ quan Thủ Đức.
Kể lại phi vụ cướp máy bay gây chấn động Sài Gòn vào cuối năm 1973, ông Hùng mỉm cười cho biết bản thân mình từng có thời gian hoạt động hơn hai năm trong lòng địch, nhận thấy quân ngụy quản lí máy bay rất lỏng lẻo, nhất là tại những bãi đáp khẩn cấp mỗi khi gặp phải thời tiết xấu.
Chân dung chiến sĩ tình báo, phi công Hồ Duy Hùng |
Từ thực tế này chiến sĩ Hùng mạnh dạn đề xuất với cấp trên kế hoạch cướp máy bay của địch làm phương tiện tác chiến của ta. Đề xuất này ngay lập tức được ủng hộ tuyệt đối.
Sau nhiều ngày nằm vùng chờ thời cơ, sáng ngày 7/11/1973, Hồ Duy Hùng rời nhà người quen ở Đà Lạt sau bảy ngày phục kích. Anh đón xe lam đến khu vực bến xe gần hồ Xuân Hương.
“Hôm đó trời Đà Lạt mưa lất phất, se lạnh. Tôi mặc áo mưa xanh đen của phi công, đi giày đen và đeo kiếng pilot. Cuốc bộ chừng 300m tôi tiếp cận chiếc trực thăng UH1, số hiệu 60139. Ở xa chỉ có một tên dân vệ gác cổng nhưng hắn đang mải mê phì phào thuốc lá, chẳng mấy chú ý”, ông Hùng nhớ như in từng chi tiết dù đã qua bốn thập niên.
Nhanh chóng thò đầu vào buồng lái, phi công Hùng mừng thầm bởi đồng hồ xăng chỉ 1000 pound (tương đương khoảng 450kg). Với số nhiên liệu này máy bay có thể vượt qua chặng đường hơn 200km từ Đà Lạt tới bàu Cà Tông.
“Ấy vậy mà không hiểu tại sao sau khi tháo dây buộc cánh quạt, ngồi vào khoang lái tôi quên mất một số bước khởi động máy bay theo quy trình. Cụ thể hôm đó do quên bật công tắc chuyển đổi điện DC sang điện AC nên đồng hồ chân trời không hoạt động. Trong điều kiện thời tiết xấu, đồng hồ chân trời giúp phi công xác định hướng bay, giữ máy bay thăng bằng. Có thể do thời gian nghỉ lái máy bay gần 3 năm ròng khiến đầu óc không còn tỉnh táo nữa”, ông Hùng kể lại.
Trở lại với diễn biến vụ cướp chiếc trực thăng số hiệu 60139, vừa cất cánh vài trăm mét, chiếc phi cơ lọt vào vùng trời dày đặc mây mù. Trong hoàn cảnh đó hệ thống đồng hồ chân trời, đồng hồ la bàn điện lại không hoạt động khiến khối sắt chao đảo vô phương hướng giữa không trung. Ông Hùng thú thực “lúc bấy giờ không dám nghĩ tới chuyện sống sót trở về”. Đơn giản chỉ cần va vào núi thể xác tiêu tan ngay.
May thay kiến thức trường lớp cộng với kinh nghiệm bay nhiều năm đã giúp anh phi công lứa tuổi đôi mươi ngày đó tìm thấy đường sinh giữa muôn vàn đường tử, ông Hùng điềm tĩnh chia sẻ:
“Chỉ còn cách duy nhất là dùng tốc độ để cân bằng máy bay. Nếu chúc đầu xuống tốc độ sẽ tăng, ngược lại tốc độ giảm. Tất nhiên trong tình thế mất kiểm soát như vậy việc bức thiết nhất là nâng độ cao thật nhanh tránh va chạm chướng ngại vật”.
Sau chừng 10 phút vật lộn tìm kiếm sự sống, phi công điều khiến chiếc trực thăng UH1 bất chợt phát hiện sai sót kĩ thuật liền khắc phục kịp thời. “Thần may mắn” đã cứu sống, đưa máy bay ra khỏi đám mây. Thêm điềm may nữa, trong suốt thời gian trước đó cố gắng kiểm soát buồng lái, chiếc trực thăng bay tự do nhưng lại vô tình “trôi” về đúng hướng vùng căn cứ cách mạng.
Thót tim khoảnh khắc vừa hạ cánh, cũng vừa hết xăng
Chưa kịp mừng vài giây, chàng phi công lại nơm nớp lo lắng bởi kim đồng hồ nhiên liệu tụt xuống đáng kể.
Kim đồng hồ nhiên liệu sắp “về mo” buộc phi công Hồ Duy Hùng phải hạ cánh khẩn cấp xuống một đầm lầy khác thuộc huyện Dầu Tiếng, xung quanh rừng cao su phủ kín. Tại đây nhờ được sự giúp đỡ của đại đội vận tải cơ giới (thuộc Đoàn 235, Cục hậu cần Miền) phi công Hồ Duy Hùng đã liên lạc và trở về đơn vị an toàn.
Thực hiện kế hoạch đánh cắp trực thăng tại Đà Lạt, ngoài phi công Hồ Duy Hùng còn có thêm đồng đội tên Tư Đen. Nhưng do địch vây ráp gắt gao nên Tư Đen không thể đến đúng hẹn. Và trong khi phi công Hùng vật lộn cùng chiếc UH1 giữa bầu trời xám xịt thì Tư Đen cũng gian nan không kém tìm đường thoát thân.
Ông Hùng dẫn lời đồng đội cho hay khoảng 30 phút sau khi ông lái chiếc trực thăng số hiệu 60139 rời khỏi bãi đáp bên hồ Xuân Hương, quân địch biết máy bay bị mất liền phát lệnh báo động.
Không quân địch điều động cả máy bay phản lực rảo khắp bầu trời tìm kiếm chiếc UH1 suốt hai ngày liền. Nhằm đề phòng máy bay tiếp tục bị đánh cắp, từ đó chúng cấm máy bay hạ cánh ngoài sân bay, đồng thời lắp thêm khoá bí mật cho tất cả máy bay.
Thông tin các chiến sĩ tình báo của ta cập nhật về cho biết địch đã nghi ngờ Hồ Duy Hùng chính là kẻ trộm. Lý do bởi chiếc trực thăng UH1 thuộc thế hệ hiện đại, tối tân, không phải ai đều dễ dàng điều khiển được ngoại trừ qua đào tạo trường lớp chính quy.
Theo thông tin báo chí nhận định bấy giờ, chiếc trực thăng số hiệu 60139 trị giá khoảng 237 ngàn đô la Mĩ. Dù không nêu rõ danh tính nhưng hầu hết phát ngôn của giới lãnh đạo quân Ngụy qua báo chí đều ám chỉ cựu Thiếu uý phi công Hồ Duy Hùng là thủ phạm.
Điều bất ngờ nữa, sau khi chiến sĩ tình báo Hùng bị sa thải khỏi quân Ngụy, Tổng nha cảnh sát Ngụy đã phát công văn gửi cho quân đội, nhất là các đơn vị không quân, cảnh báo rằng có thể bị đánh cắp máy bay. Ấy nhưng do chủ quan, địch không ngờ rằng người chiến sĩ cách mạng lại cả gan đến mức vào tận sào huyệt của chúng cướp máy bay ngay giữa ban ngày.
Sống sót giữa những làn đạn
Theo dự tính ban đầu của Bộ tư lệnh Miền, chiếc máy UH1 sẽ được sử dụng tấn công địch, cụ thể là mục tiêu Dinh Độc Lập. Tuy nhiên 10 ngày sau khi cướp trót lọt chiếc máy bay, Bộ Tổng tham mưu yêu cầu phải chuyển máy bay ra miền Bắc. Theo đó Hồ Duy Hùng được giao nhiệm vụ di chuyển “tang vật” lên vùng rừng núi giữa Tây Ninh và Lộc Ninh để chờ lệnh.
Cái khó bấy giờ, theo lời ông kể lại là cấp trên buộc phải bay làm sao vừa tránh bị địch phát hiện, song lại không đảm bảo hoàn toàn những làn đạn bắn nhầm trong vùng giải phóng.
Dẫu lo lắng gặp phải cơn mưa đạn của… quân mình, nhưng nhiệm vụ cấp trên giao phó phải hoàn thành, Hồ Duy Hùng cùng chiến sĩ dẫn đường lên phi cơ khởi động máy xuất phát.
Trước khi đi phi công Hùng không quên xin chỉ huy Năm Ngà (tức Nguyễn Minh Châu - Tham mưu phó Quân giải phóng miền Nam) “lá bùa hộ thân” là bức thư tay do đồng chí Năm Ngà viết. “Tôi dự trù trước hễ sắp bay vào vùng giải phóng, chuẩn bị hạ cánh sẽ cho đồng chí dẫn đường nhảy xuống trước giải thích. Do có nhiều lực lượng giải phóng, để tránh bị hiểu nhầm có thể phải nhờ đến bút tích chỉ huy Năm Ngà”, “không tặc” hồi ức.
Máy bay cất cánh được 12 phút, cả ông Hùng lẫn chiến sĩ dẫn đường vẫn không tài nào nhận ra bãi đáp hôm trước đích thân họ đã đi thực địa. Bay thêm chừng 30 giây phi công Hùng mới dám chắc đã bay lạc, vượt quá điểm hẹn.
Chiếc máy bay vừa đảo lượn định đáp xuống thì mấy tiếp “cốp”, “cốp” vang lên. Đó là tiếng đạn trúng vào thân máy bay. Hoá ra bộ đội phía dưới tưởng máy bay của địch nên xúm vào nổ súng bắn hạ. Nhanh chóng nâng độ cao, Hùng lượn máy bay đến đám khói thứ 2, thứ 3 nhưng đều bị xua đuổi bằng súng đạn.
Trước tình thế gay go, phi công Hồ Duy Hùng bàn bạc nhanh cùng đồng đội rằng tạm lánh vào rừng vắng đợi trời sáng.
Cố tránh đạn đến khi cách mặt đất chừng mươi mét, chiến sĩ dẫn đường lao nhanh xuống dưới còn phi công Hùng kéo cần lái cho cánh quạt giảm nhanh. Người phi công trẻ nhớ nguyên vẹn tình cảnh cách đây 40 năm: “Tôi nghe rõ ai đó hô to rằng “vào lấy B40, vào lấy B40”, xung quanh bộ đội chĩa họng súng sẵn sàng bóp cò. May sao nhờ bức thư tay của chỉ huy chúng tôi mới thoát nạn”, chuyện đã qua mà nhân chứng sống vẫn thở phào.
Không lâu sau trong một cuộc trò chuyện, phi công Hồ Duy Hùng mới sững người hốt hoảng. Đếm xung quanh, phát hiện tổng cộng các đơn vị đã tiêu tốn 270 viên đạn bắn nhầm chiếc UH1, thân máy bay bị lõm 5 chỗ.
Tiếp đó chiếc UH1 được tháo gỡ vận chuyển ra miền Bắc, phi công Hồ Duy Hùng là người trực tiếp đi theo hướng dẫn kĩ thuật, đảm nhận nhiệm vụ đào tạo phi công suốt nhiều năm liền.
Nhớ lại hành trình đánh cướp máy bay rồi lại suýt chết bởi chính làn đạn đồng đội, ông Hùng chỉ mỉm cười khiêm tốn. Ông trải lòng vắn tắt rằng thời đất nước bị xâm lăng, người yêu nước nào cũng hành động như mình.
Theo Xa lộ pháp luật