Họ không phải là công nhân của các cơ sở sản xuất gạch, thế nhưng sự ăn nên làm ra của các cơ sở này lại luôn gắn liền với cuộc sống của gia đình họ. Họ là những phụ nữ chuyên làm công việc bốc dỡ gạch, mà lẽ ra nên dành cho đàn ông.
Thấy chúng tôi cứ hỏi hoài, chị Nguyễn Thị Thủy, bốc dỡ gạch ở tổ 4, thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong (Hòa Vang) đang làm việc tại Nhà máy Gạch Tuynen Hòa Phong cười, nói: “Đời phu gạch như chúng tôi thì có gì đâu mà kể. Công việc chỉ có bốc lên và dỡ xuống”. Thế nhưng được trò chuyện với chị, tôi mới hiểu nghề bốc dỡ gạch cũng có nhiều điều để tìm hiểu, đặc biệt những người làm nghề này là phụ nữ. Chẳng hạn như chị Thủy, vào làm được gần 2 năm, giờ chỉ cần nhìn thoáng qua, chưa xem nhãn mác trên viên gạch, chị cũng đã có thể nói vanh vách ngay đó là gạch do nhà máy nào sản xuất, sản xuất ra từ bao giờ và giá cả loại gạch này hiện tại là bao nhiêu…
Thậm chí, chỉ cần nhìn đống gạch xếp trước mặt, chưa cần đếm xem nó gồm bao nhiêu cột, mỗi cột bao nhiêu viên, chị đã áng chừng được số lượng cả đống là từng này, từng này; với loại xe tải này thì phải mấy chuyến, loại xe tải kia thì mấy chuyến sẽ chở hết… Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, chị Nguyễn Thị Hỷ, người cùng thôn với chị Thủy cũng làm nghề bốc gạch nói với sang: “Chuyện ấy thì có gì lạ! Bốc lên dỡ xuống suốt ngày này qua ngày khác, nhìn mãi thì nó quen thôi mà!”. Rồi nhìn về phía những bạn đồng nghiệp đang mải miết bốc gạch lên một chiếc xe tải gần đó, chị bảo: “Trông thì đơn giản vậy nhưng bốc xong khoảng vài vạn gạch, ai nấy đều toát hết mồ hôi. Ngày mới vào nghề, khi cả ngày “ôm” gạch, tối về mới thấy mình mẩy đau nhói. Thế nhưng càng vào nghề lâu năm, thấy người lại khỏe ra”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện tại chỉ riêng ở khu vực thôn Dương Lâm đã có gần 100 người làm nghề bốc dỡ gạch làm việc ở 4 nhà máy sản xuất gạch tại đây. Và một điều hơi lạ, đây là công việc nặng nhọc, thế nhưng đội ngũ lao động lại chỉ toàn phụ nữ, nam giới rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Thanh niên, đàn ông ở thôn này không muốn làm nghề này đâu. Họ chê nghề này ít tiền và ra thành phố làm cả rồi”, chị Thủy cho hay. “Vậy nghề này cho thu nhập có khá không?”, chị Thủy nói: “Nếu hôm nào có nhiều xe đến lấy gạch thì thu nhập của chị em cũng được khoảng 70 - 80 nghìn đồng. Còn ít xe thì chỉ 50-60 nghìn đồng thôi. Nhưng được cái nghề này cũng ổn định, không phải đi làm xa. Thậm chí vừa làm vừa chăm lo ruộng đồng được”.
Nhìn vào đội ngũ phụ nữ bốc dỡ gạch ở đây, ai cũng nghĩ việc “làm ăn” rất đơn giản, nhưng nếu tìm hiểu kỹ mới thấy công việc đơn giản ấy cũng “khốc liệt” không kém. Nhưng cũng vì miếng cơm manh áo nên nhiều chị phải “bám” lấy cái nghề cực nhọc này.
Câu chuyện của chúng tôi đành phải tạm dừng khi có vài chiếc xe tải đang tiến vào Nhà máy Gạch Tuynen Hòa Phong. Các chị lại nhanh chân, nhanh tay bốc gạch lên xe.
Bài và ảnh: Trọng Hùng