Huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) là địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 4 gây ra vừa qua. Nhiều điểm trường bị ngập và hư hại nghiêm trọng. Ước tính, các trường học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn thiệt hại trên 3,5 tỷ đồng do mưa lũ. Sáng 20/8, tại 2/3 trường học ở huyện Kỳ Sơn, học sinh vẫn đến tựu trường như dự kiến.
Ngay sau khi nước rút, nhà trường cùng lực lượng chức năng, phụ huynh đã khẩn trương khắc phục thiệt hại, tiến hành nạo vét bùn đất, lau dọn bàn ghế, đồ dùng, trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất của nhiều trường bị hư hỏng nặng, đồ dùng, trang thiết bị dạy học thiếu, chưa đảm bảo điều kiện cho việc dạy và học.
Mưa lũ đã làm 6 người tại huyện Kỳ Sơn tử vong, đến sáng ngày 20/8, lực lượng tìm kiếm cứu nạn và người thân vẫn chưa tìm thấy anh Moong Phò Tuất (47 tuổi, trú xã Mường Ải) – bị lũ ống cuốn trôi cả nhà, mất tích vào trưa ngày 17/8. Mưa lũ cũng khiến một số xã của huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) bị mất điện kéo dài trên diện rộng, ngành điện đang cố gắng khắc phục nhưng đến ngày 20/8 vẫn chưa thể cung cấp điện cho bà con sử dụng.
Theo báo cáo của ngành điện Nghệ An, do ảnh hưởng của bão số 4 và mưa lũ kéo dài trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 28 cột điện bị đổ gãy, 700m đường dây điện và 1 trạm điện bị hư hỏng.
Trước những hậu quả của mưa lũ gây ra, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã cử lực lượng quân y lên các địa bàn bị ảnh hưởng nặng của huyện Kỳ Sơn để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và vệ sinh môi trường. Lực lượng Quân y đã khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 150 lượt người tại bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu huyện Kỳ Sơn. Đây là nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số Khơ Mú, là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề trong trận lũ vừa qua. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiến hành phun thuốc diệt trùng xử lý môi trường, nguồn nước cho hơn 100 hộ dân trong bản.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN Nghệ An vào trưa ngày 20/8, đơn vị này đã trình UBND tỉnh xem xét trình Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc hỗ trợ cho Nghệ An một số cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị và kinh phí. Do lưu vực sông Cả có khoảng 30% diện tích nằm trên lãnh thổ nước bạn Lào nhưng việc theo dõi khí hậu, thời tiết trên đất bạn chưa nắm bắt được.
Đề nghị Thủ tướng cho lắp thêm 1 rađa theo dõi thời tiết đặt ở huyện Kỳ Sơn phục vụ cho công tác dự báo thời tiết ở hệ thống sông Cả tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Trước mắt đề nghị Thủ tướng hỗ trợ 350,74 tỷ đồng (Ba trăm năm mươi tỷ đồng bảy mươi tư triệu đồng) để hỗ trợ dân sinh cho các hộ bị sập nhà, các trường hợp bị tử vong; Hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp; Xây dựng hệ thống cấp báo động lũ và bản đồ ngập lụt; Hỗ trợ các huyện miền núi xây dựng khu tái định cư đảm bảo an toàn cho các hộ dân bị sạt lở đất, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét; khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu…
Tại Thanh Hóa tiếp tục là vùng có nguy cơ sạt lở trong các đợt mưa tới, nên ngoài việc tập trung khắc phục sau mưa lũ, Thanh Hóa cũng triển khai các phương án để ứng phó với diễn biến mới của thời tiết. Ngày 20/8, nước ngập cục bộ ở một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã rút. Hiện các địa phương đang nhanh chóng khắc phục, ổn định đời sống. Lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường sau mưa lũ tại xã Thiệu Dương và phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) – là 2 địa phương bị ngập lụt nghiêm trọng sau bão số 4.