Giao thông “tê liệt”
Do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn Nghệ An đã có mưa to đến rất to. Mưa lớn trên địa bàn đã gây sạt lở đất, tuyến quốc lộ (QL) 7A đã bị ách tắc nhiều giờ liền, sau nhiều nỗ lực của lực lượng cứu hộ đến sáng ngày 19/8 đã thông tuyến trở lại. Đoạn QL16 đi qua xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn, Nghệ An) bùn ứ đọng trên nền đường dày 0,5m, đường đang bị đóng để đảm bảo an toàn.
Có 6 vị trí bị đất đá ta luy dương tràn đổ xuống gây bồi lấp rãnh dọc, tràn mặt đường gây ách tắc giao thông. QL48E có nhiều vị trí phải đóng đường chủ yếu là các tràn bị ngập có đoạn sâu từ 0,35-3,8m. Có 5 vị trí bị sạt lở do ta luy dương gây bồi lấp mặt đường và rãnh dọc gây ách tắc giao thông tại các xã Thông Thụ (Quế Phong), Nghĩa Thuận (TX Thái Hòa), Nghĩa Mỹ (huyện Nghĩa Đàn)…
Nhiều tuyến giao thông tại huyện Kỳ Sơn như: Mường Típ, Mường Ải bị chia cắt sạt lở; tại huyện Tương Dương các tuyến như Lượng Minh – Chăm Puông, Trung Thắng – Đình Tài xã Yên Thắng, từ QL 7 đi Tam Đình… bị sạt lở ta luy dương gây ách tắc giao thông… Nhiều đoạn đến nay vẫn chưa thể khắc phục; Huyện Anh Sơn tại các xã Tam Sơn, Thanh Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn bị chia cắt với trung tâm huyện không thể đi vào được.
Theo ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An), mưa lũ đã rút dần, tuy nhiên một số địa bàn trũng vẫn chưa thể lưu thông trở lại đang bị chia cắt. QL 7 cơ bản đã thông tuyến nhưng vẫn còn nhiều điểm sạt lở cần thời gian để sửa chữa, ước tính thiệt hại của huyện gần 25 tỷ đồng... Còn ông Vi Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông (Nghệ An) cho biết, mưa lũ đã cuốn trôi hơn 600ha lúa của bà con nông dân, các công trình thủy lợi và đường giao thông hầu hết bị hư hỏng nặng. Theo thống kê chưa đầy đủ thì địa phương thiệt hại hơn 48 tỷ đồng.
Sáng 19/8, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đã có cuộc làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Tương Dương và kiểm tra tình hình thiệt hại, công tác xả lũ của nhà máy thủy điện.
Phó Bí thư Nguyễn Văn Thông đề nghị tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức và cá nhân cùng vào cuộc giúp đỡ nhân dân; nắm bắt thông tin và có biện pháp phối hợp với các cấp, ngành, các lực lượng để đảm bảo cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng trước mắt và lâu dài, đảm bảo 100% người dân phải có nơi ở và không bị thiếu đói, sớm trở lại ổn định cuộc sống bình thường. Thiệt hại toàn tỉnh Nghệ An tính đến 11h trưa ngày 19/8 do ảnh hưởng của bão số 4 đã khiến 6 người chết tại huyện Kỳ Sơn, thiệt hại kinh tế chưa thống kê đầy đủ.
Di dời người dân khẩn cấp tránh lũ quét
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, mưa lũ đã khiến 3 người chết và mất tích, hàng nghìn hộ dân đã phải di dời tránh lụt và sạt lở. Cụ thể 1 phụ nữ ở xã Mường Chanh, huyện Mường Lát trong lúc đi hái rau đã bị đá lở đè tử vong. Một người đàn ông tại huyện Quan Hóa bị điện giật chết trong lúc đang chằng chéo lại nhà cửa. Một phụ nữ tại xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn bị lũ cuốn trôi hiện vẫn đang mất tích.
Mưa lũ cũng đã làm đổ sập 4 ngôi nhà kiên cố, nước ngập 1.243 nhà dân, 1.278 ha lúa, 1.683 ha sắn, mía, vừng, đậu, 33 ha cây ăn quả, 133 ha cây công nghiệp bị thiệt hại; 6 ha lúa bị vùi lấp, 3.753 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Giao thông trên các tuyến QL15, 15C, 16, 217, 47 và nhiều tuyến tỉnh lộ, đường tuần tra biên giới bị sạt lở gần 164.000 m3 đất đá, hơn 66.000 m3 mặt đường, rãnh thoát nước bị hư hỏng, sa bồi; Đặc biệt trên tuyến QL15C, 16 và một số tuyến đường tỉnh lộ từ Hồi Xuân (Quan Hóa) đi huyện Mường Lát xảy ra trên 50 điểm sạt lở khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn, cô lập huyện Mường Lát với các địa phương khác. Huyện Mường Lát cũng bị mất điện trên diện rộng do ảnh hưởng của mưa bão xảy ra.
Huyện Lang Chánh đã sơ tán 114 hộ dân với 457 nhân khẩu của 8 xã đến ở xen ghép với các hộ an toàn trong các thôn, bản khác trong lúc mưa lũ đang xảy ra. Huyện miền núi Bá Thước sau khi được khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục thì các điểm sạt lở về cơ bản đã được xử lý và thông tuyến. Đồng thời di dời khẩn cấp 102 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét.
Mưa lớn cũng khiến vùng hạ lưu bị ngập úng nặng nề, các địa phương phải sơ tán, di dời các hộ dân sinh sống ở bãi sông với 4.192 hộ đến nơi an toàn. Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực chỉ đạo các địa phương nỗ lực khắc phục hậu quả do hoàn lưu bão số 4 gây ra, sớm ổn định tinh thần, đời sống nhân dân vùng ảnh hưởng.