Bắt đầu từ năm học 2008-2009, Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Nghệ An và Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã phối hợp tăng cường tổ chức giáo dục truyền thống, nhất là truyền thống xứ Nghệ trong các trường phổ thông.
Đây là giải pháp để thực hiện việc "xây dựng và đưa các nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, văn hoá xứ Nghệ…vào các trường học" theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 16, đồng thời góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".
Học sinh Trường THPT Hà Huy Tập (Nghệ An) đang sinh hoạt ngoại khoá về chiến thắng Truông Bồn |
Sau một năm thực hiện, việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống được quan tâm đúng mức hơn. Hiện nay đã có 386 trường có phòng truyền thống, 363 trường biên soạn được tài liệu lịch sử của trường, 38 trường mang tên danh nhân có tài liệu về cuộc đời hoạt động của danh nhân, 450 trường có sổ vàng truyền thống. Các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho học sinh được triển khai tương đối đồng bộ: tổ chức thực hiện chương trình giáo dục địa phương đối với môn Lịch sử; tổ chức ngoại khoá về Xô viết Nghệ Tĩnh và tham quan bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh; tổ chức tìm hiểu về di tích lịch sử, di tích văn hoá, di tích cách mạng và truyền thống nhà trường; nhận chăm sóc các di tích hiện có tại địa phương; đẩy mạnh phong trào hát dân ca…
Trong năm học qua, đã có 387 di tích được các trường nhận chăm sóc; 784 trường tổ chức thi hát dân ca. Hội thảo “Giáo dục truyền thống cho thanh thiếu nhi học sinh phổ thông Nghệ An - thực trạng và giải pháp” đã được tổ chức ở cấp tỉnh. Có thể nói, công tác giáo dục truyền thống, nhất là truyền thống xứ Nghệ cho học sinh đã có bước chuyển biến tốt, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường.
Tuy vậy, cũng cần phải nói rằng, vẫn còn một số phòng giáo dục và đào tạo, một số nhà trư¬ờng chư¬a quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục truyền thống cho học sinh. Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ quản lý nhà trường về công tác này còn hạn chế, phiến diện. Và do đó, một số đơn vị đã không xây dựng chư¬ơng trình, kế hoạch; không chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống ở đơn vị mình.
Bước vào năm học 2009-2010, Hội và Sở đã tổ chức triển khai đến tận các cơ sở các biện pháp cụ thể cũng như các chỉ tiêu phấn đấu để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp nói trên.
Theo GD&TĐ