“Từ những năm 70 đến đầu thập kỷ 90, làng này con gái hiếm hoi lắm. Chờ mỏi cả mắt cũng chỉ được có 3 “mống” thôi trong khi có tới gần 40 thằng con trai” - cụ Hoàng Văn Bạn, 80 tuổi, một cao niên ở làng Giếng Thùng, cho biết.
Người dân nơi đây vẫn kháo nhau rằng uống nước Giếng Thùng sẽ đẻ con trai |
Làng con trai
Làng Giếng Thùng thuộc xóm 11, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Tên gọi đó xuất phát từ cái “sự lạ” của làng là chỉ sinh toàn con trai, hiếm lắm mới có nhà sinh con gái. Theo người dân nơi đây, sở dĩ có “sự lạ” đó là do người dân uống chung một dòng nước Giếng Thùng (giếng khơi) ở cuối làng.
Cụ Hoàng Văn Bạn bên các cháu nội của mình |
Phóng viên chúng tôi tìm về làng Giếng Thùng một buổi trưa ngày tháng 3. Trên đường vào làng chỉ thấy toàn các cậu nhóc chạy lông nhông. Anh Hoàng Văn Đường (SN 1982) dẫn đường cho chúng tôi nửa đùa nửa thật: “Vì con gái hiếm hoi quá nên thanh niên làng này toàn ế vợ thôi. 8X thì chưa nói làm gì nhưng hiện nay có gần chục thanh niên 7X vẫn chưa lập gia đình đấy”.
“Nhà ông Đào 5 anh con trai, nhà ông Quỳnh 4 anh, ông Bạn 4 anh này, còn nhà 2 - 3 thằng con trai thì nhiều lắm, kể không hết được mô....”, anh Đường liệt kê.
Chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng theo những cụ cao niên trong làng thì từ trước đến nay, tỷ lệ chênh lệch giới tính ở làng này luôn rất cao mà số nhiều luôn nghiêng về con trai.
“Từ những năm cuối 60, đầu 70 cho đến những năm 1990 thì tỉ lệ sinh con trai ở làng này chiếm đến 80%. Có nhà sinh một lèo 4, 5 thằng, muốn kiếm lấy một cô con gái rửa bát cho mẹ cũng không được. Nhà tôi là một trong 3 gia đình ở xóm này sinh được con gái đấy”, không giấu nổi sự tự hào, bà Nguyễn Thị Liên (55 tuổi) từng là cán bộ phụ nữ xã Hưng Thông cho hay.
Nhưng đó là chuyện của trước đây, còn bây giờ tỉ lệ chênh lệch giới tính đang tiến dần đến chỗ cân bằng rồi, bà Liên cho biết thêm. Bởi thế nên người trong làng mới được “chia” thành hai thế hệ khác nhau: thế hệ Giếng Thùng và thế hệ... giếng khoan.
Vì “khan hiếm” nên con gái làng này được xem như những hạt “mì chính cánh” hồi bao cấp. Nhà nào có con gái bố mẹ cũng khá vất vả vì trai làng đến “trồng cây si” nhiều quá. Rất nhiều trai làng phải đi kiếm vợ nơi khác.
Truyền thuyết về “giếng thần”
Cũng như nhiều người dân khác, lý giải về nguyên nhân làng sinh toàn con trai, cụ Bạn cho rằng do người dân ở đây uống nước giếng thùng. Bản thân gia đình cụ Bạn cũng chỉ dùng nguồn nước giếng này trong sinh hoạt; vợ chồng cụ có 4 người con trai, 9 cháu trai trên tổng số 11 đứa cháu nội.
"Giếng thần" được người dân nơi đây tôn tạo hàng năm. |
Theo người làng, nước giếng thùng rất trong và ngọt. Giếng được ông cố Toản (bố đẻ cụ Bạn) đào từ năm 1912 và trở thành nguồn nước chung của cả làng từ đó đến nay. Điều đặc biệt là nước trong giếng không bao giờ cạn, dù trời có khô hạn bao lâu đi nữa. Người dân đồn thổi “giếng là phần đuôi của con rồng, đúng long mạch nên nước luôn trong mát và chảy rất mạnh”.
Chị Châu Thị Thịnh (44 tuổi), một người dân ở làng khác, kể chồng chị là cháu đích tôn của cả dòng họ nên áp lực sinh con trai “nối dõi tông đường” rất nặng. Khi anh chị đã có hai cô con gái, lo không hoàn thành “nghĩa vụ” với dòng tộc, anh chị sang làng Giếng Thùng gánh nước giếng về ăn uống, sinh hoạt và một thời gian sau thì sinh được một cậu con trai.
Những câu chuyện về khả năng “sinh con trai” của nước giếng thùng như thế vẫn được kể nhan nhản ở làng này. Không biết nước giếng “thiêng” đến đâu nhưng khi chúng tôi tìm đến, đập vào mắt là một bát hương ở thành giếng đang bốc khói nghi ngút.
Đến làng Giếng Thùng thấy toàn trẻ nam, nhưng vì những quan niệm lạc hậu, người dân nơi đây ai mới có con gái vẫn khát khao được "thần giếng" cho một cậu con trai. |
Giếng đã trở thành niềm tự hào và một phần trong sinh hoạt văn hóa của người dân nơi đây. Cứ mỗi đêm giao thừa, cả làng lại tụ tập quanh giếng đốt lửa hát hò, nhảy múa. Đúng thời khắc giao thừa, người cao niên nhất trong làng dâng một mâm cỗ cúng giếng. Hàng năm giếng vẫn được duy tu, sữa chữa để bảo vệ “nguồn nước quý”.
Hiện tượng uống nước giếng sinh con trai cho đến nay vẫn lưu truyền trong làng như một dạng truyền thuyết nặng tính tâm linh. Thực hư thế nào, rất cần sự lý giải của các nhà khoa học và cơ quan chức năng.
Theo