Dự án Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư với mục đích: Cấp nước tưới cho 1.524ha đất canh tác (cả lúa và cây công nghiệp), tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 11.700 người, bổ sung nước cho hồ Vực Mấu 13,4 triệu m3/năm và tham gia cắt giảm lũ trên sông Hoàng Mai.
Dự án được phê duyệt tháng 6/2009, khởi công năm 2010 với tổng mức đầu tư hơn 227,8 tỷ đồng, trong đó xây lắp hết gần 100 tỷ, gần 100 tỷ chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) với các hạng mục chính: Hồ chứa nước có dung tích trữ Whi =19,4 triệu m3; đập đất (gồm đập chính và các đập phụ); tràn xả lũ; cống lấy nước; công trình phụ; hệ thống kênh...
Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án (BQLDA), hiện nay, công trình đã cơ bản hoàn thành đập phụ 1 và 2, cống lấy nước đường quản lý, đường điện, tràn xả lũ (ước đạt 90%); cầu Khe Lại đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Về công tác GPMB, đã đền bù được 86ha (hơn 110 tỷ đồng). Tổng số tiền đã được giải ngân xây dựng và đền bù là 209 tỷ đồng.
Được biết, dự án đã dừng lại gần hai năm nay không thực hiện thêm hạng mục nào. Các hạng mục đã được xây dựng phải nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” và công trình vẫn chưa thể đóng các cửa xả nước để tích nước theo như mục tiêu của Dự án.
Ông Phan Tiến Dũng (Chủ tịch UBND xã Tân Thắng) cho biết: “Hơn 2 năm nay, không thấy dự án triển khai tiếp vì thiếu vốn. Có khoảng 150 hộ dân bị ảnh hưởng đã được đền bù. Diện tích đất rừng bị ảnh hưởng trong khu vực lòng hồ của hơn 100 hộ dân hiện chưa có nguồn để chi trả nên chưa tích nước được. Chúng tôi cũng mong muốn dự án sớm được cấp tiền thực hiện vì đây là dự án trọng điểm, mục đích để phục vụ nước tưới tiêu nông nghiệp và điều hòa nguồn nước cho hồ Vực Mấu…”.
Theo báo cáo thì kế hoạch vốn đầu tư đến hết năm 2017 là 208,304 tỷ đồng, tiến độ cấp vốn theo các năm là: năm 2010 được cấp 35.090 tỷ đồng; năm 2011 cấp 6 tỷ đồng; năm 2012 cấp 45 tỷ đồng, năm 2013 chỉ được cấp 420 triệu đồng; năm 2014 được cấp 45 tỷ đồng; năm 2015 cấp 45 tỷ đồng; năm 2016 cấp 31 tỷ đồng, riêng năm 2017 và năm 2018 không được cấp tiền cho dự án.
Một trong những vướng mắc hiện nay là việc GPMB chiếm 50% tổng mức đầu tư nên đòi hỏi số vốn lớn để triển khai đồng thời. Do nguồn vốn khó khăn và bố trí dàn trải nên Hội đồng đền bù đã chia thành nhiều giai đoạn và nhiều đợt chi trả theo từng hạng mục công trình để phục vụ thi công, đã đền bù tổng diện tích 86ha với số tiền 110,27 tỷ đồng.
Theo báo cáo của BQLDA thì qua 6 năm thực hiện, các gói thầu xây lắp cần được bổ sung do trượt giá về vật liệu, máy móc, nhân công, đặc biệt kinh phí GPMB cũng tăng lên đáng kể do chính sách về đền bù thay đổi. Vì vậy, để thực hiện hoàn thành và phát huy hiệu quả của dự án thì cần phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Theo báo cáo của BQLDA thì các gói thầu xây lắp được điều chỉnh nguồn vốn với khái toán dự kiến 40,8 tỷ đồng, trong đó đã được chủ đầu tư phê duyệt 21,2 tỷ đồng. Dự toán hai gói thầu kênh chính cần bổ sung 44,6 tỷ đồng. Đối với việc đền bù GPMB được xác định ứng với từng cấp cao trình cụ thể.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tiền đền bù GPMB bị “đội” vốn lên là do quá trình khảo sát ban đầu diện tích đất khu vực lòng hồ chưa sát với thực tế, một phần là do chính sách đền bù cũng tăng. Theo đại diện BQLDA, để thực hiện tiếp và tích nước như mục tiêu dự án thì khái toán số vốn cần phải có khoảng 368 tỷ đồng.
Như vậy, sau gần 10 năm triển khai thì dự án trọng điểm vẫn chưa thể phát huy hiệu quả dù số tiền đã đầu tư là không nhỏ. Trong khi đó, nhiều hạng mục đang bị “đắp chiếu”, có nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu