Theo thông tin từ TAND TP Hà Nội, sau một tháng tạm hoãn phiên tòa, ngày mai, vụ án phúc thẩm về quyền nuôi con giữa anh TT Hưng và chị ĐTM Hòa, sẽ được đưa ra xét xử.
Trước đó, như PLVN đã đưa tin, vào ngày 22/7/2015, TAND quận Cầu Giấy đã ban hành Quyết định số 96/2015/QĐST-HNGĐ công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự là anh TT Hưng và chị ĐTM Hòa. Theo đó, giao 02 con chung là cháu TM Hải và TN Phương là anh em sinh đôi, cùng sinh ngày 17/2/2013, con của chị ĐTM Hòa và anh TT Hưng cho chị Hòa nuôi.
Cho rằng đã bị vợ cũ gây khó khăn khi tiếp cận nuôi dưỡng, thăm nom hai con nên sau một thời gian, anh Hưng đòi quyền nuôi cháu Phương. Hưng gửi đơn khởi kiện đến TAND quận Thanh Xuân yêu cầu giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con.
TAND quận Thanh Xuân đưa ra xét xử vụ án. Quá trình xét xử sơ thẩm, TAND quận Thanh Xuân chỉ xoáy vào duy nhất 1 tình tiết là việc Chị Hòa không cho anh Hưng đón con đi du lịch trong khi con bị sốt cao và Tòa kết luận rằng chị Hòa có hành vi ngăn cản quyền thăm con của anh Hưng. Bản án sơ thẩm của TAND quận Thanh Xuân tuyên tách 2 cháu song sinh cho bố và mẹ mỗi người nuôi 1 cháu, cụ thể là giao cháu Phương cho anh Hưng nuôi, còn cháu Hải vẫn ở với mẹ.
Bản án này của TAND quận Thanh Xuân đã bị dư luận, các chuyên gia pháp lý, đặc biệt là chị Hòa không đồng tình.
Chị Hòa chứng minh mình có đầy đủ điều kiện nuôi và đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển của các con. Chị luôn muốn bù đắp tình cảm cho các con và không bao giờ có suy nghĩ ngăn cản việc bố con anh Hưng gặp nhau. Toàn bộ tin nhắn giữa 2 người về quá trình đưa đón các con cho thấy chị Hòa luôn tạo điều kiện thuận lợi để anh Hưng gặp con.
Trong suốt quá trình con ở với chị, duy nhất có một lần anh Hưng đòi đón con đi du lịch (anh Hựng đề nghị chỉ đón 1 cháu). Nhưng vì hôm đó hai con chị lại đang bị sốt cao nên với bản năng bảo vệ con của người mẹ, chị không đồng ý để con đi chơi dài ngày với anh Hưng.
Chị Hòa mong hai cháu được ở với nhau và ở cùng mẹ. Chị cũng chứng minh trước tòa về việc khi ở với mẹ các cháu đang được chăm sóc, học học tập với điều kiện rất tốt. Trong khi đó, anh Hưng lại đã có gia đình mới, vợ anh Hưng đã sinh con và đang nuôi con nhỏ.
Về điều kiện kinh tế, mặc dù anh Hưng có thu nhập tương đương với chị nhưng thực tế chưa khi nào anh Hưng đóng đủ tiền trợ cấp nuôi con như Biên bản thuận tình ly hôn.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, không có căn cứ pháp lý để Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết giao cháu Phương cho anh Hưng nuôi. Bởi theo Khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình số 52/2014/QH13 thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Trong khi đó, ở vụ án này, chị Hòa và anh Hưng không có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Chị Hòa là Người trực tiếp nuôi con, đang có điều kiện trực tiếp nuôi con rất tốt, không rơi vào tình trạng ‘không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.” Như vậy, không có bất kỳ căn cứ nào theo quy định của pháp luật để Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết yêu cầu của anh Hưng về việc thay đổi Người trực tiếp nuôi con.
Luật Hôn nhân gia đình của Việt Nam nhấn mạnh yếu tố“trực tiếp nuôi con” và “trên cơ sở lợi ích của con” để giải quyết yêu cầu thay đổi Người trực tiếp nuôi con.
Ở đây, chị Hòa là người có khả năng trực tiếp nuôi con và có đủ điều kiện để đảm bảo lợi ích của con. Đặc biệt, sau khi ly hôn, chị Hòa đã toàn tâm toàn ý làm mẹ đơn thân, nuôi dạy các con, trong khi đó, anh Hưng đã có gia đình riêng.Con riêng của anh Hưng được sinh chỉ sau thời gian ngắn - 12 ngày sau khi anh chị ly hôn. Điều đó cũng có nghĩa là anh Hưng đã có quan hệ vợ chồng với người phụ nữ khác trong thời gian hôn nhân.
Hiện tại, cả hai cháu đang được học tập tại Trường mầm non đạt chuẩn Quốc tế. Trường nằm ngay trong khuôn viên chung cư mà các cháu sinh sống, chỉ mất 2 phút đi bộ, vô cùng tiện lợi cho việc đi lại, học tập, vui chơi của các cháu. Các cháu hòa nhập, thích nghi và phát triển tốt tại trường học.
Sau khi báo PLVN đăng tải bài viết, nhiều bạn đọc cũng đã gửi ý kiến, phản đối quyết định của tòa sơ thẩm.
Bạn đọc Nguyễn Huy nói: Giữa 1 bên là ông chồng tệ bạc, một người cha thiếu trách nhiệm và một bên là một người Mẹ hi sinh, chịu đựng tất cả vì con, theo mọi người hai đứa trẻ sẽ chọn ở với ai? Thiết nghĩ lựa chọn người Mẹ là điều đúng đắn hơn cả.
Bạn đọc Phan Tuyết Minh có ý kiến: Có thể tòa sơ thẩm chưa xem xét hết các tình tiết của vụ án, hoặc có thể bên người vợ chưa cung cấp đầy đủ chứng cứ về việc môi trường sống và học tập của con tốt, điều kiện kinh tế của chị tốt, chứng cứ việc hằng tuần bố cháu vẫn đưa đón thăm nuôi cháu bình thường.... nên tòa Thanh xuân mới ra bản án như thế. Tại tòa phúc thẩm chị vợ nên đưa đầy đủ chứng cứ chứng minh nêu trên thì căn cứ theo điều luật 84 sẽ không tòa nào xử chia tách 2 bé song sinh khỏi mẹ đâu! Tôi tin là như vậy!
Bạn đọc Bạch Hoàn khẳng định: Không cần biết người lớn ai đúng ai sai, tách 2 đứa trẻ song sinh ra khỏi nhau và khỏi người mẹ luôn yêu thương và bảo vệ chúng từ trong bụng mẹ là một TỘI ÁC
Bạn đọc Hạ Vy đề nghị: Để lấy lại niềm tin từ người dân, tòa phúc thẩm cần xử công bằng thấu tình đạt lý, không nên chia tách 2 đứa trẻ song sinh khỏi mẹ chúng. Một người mẹ vượt qua bao khó khăn khổ ải để giữ con bên mình như thế chứng tỏ tình yêu của người mẹ rất lớn. Còn người cha ở bài báo này đã phản bội vợ con trong hôn nhân, ko đủ tư cách đạo đức để nuôi dạy bọn trẻ thành những công dân tốt được. Đứng về quyền lợi của bọn trẻ thì ko nên xử chia tách bọn trẻ khỏi mẹ!
Chung quan điểm, bạn đọc Thanh Hoa nói: "Nếu đúng như bài báo viết thì có hiện tượng án sai ở đây, tòa phúc thẩm cần xem xét kỹ lưỡng tình tiết có hành vi cản trở thăm nuôi. Nếu chỉ là 1 hiện tượng trong 1 lần con ốm thì ko đủ căn cứ để quy chụp người mẹ gây cản trở. Cần nhìn vào quá trình mấy năm nuôi con 1 mình của người mẹ."
Dẫn chứng từ Luật Hôn nhân và gia đình, bạn đọc Hương Lan phân tích: Theo điều luật 84nếu chứng minh được là người mẹ đang đủ điều kiện nuôi con tốt thì không có cơ sở tách 2 cháu sinh đôi ra như thế. Việc người mẹ có 1 lần không cho con đi nghỉ mát xa vì con đang ốm thì không đủ cơ sở để quy kết người mẹ cản trở quyền thăm nom. Nếu người mẹ có bằng chứng chứng minh hằng tuần người bố vẫn thăm non, đưa đón con bình thường thì bản án sơ thẩm sẽ được sửa lại cho đúng.
"Tránh oan sai, tòa phúc thẩm cần xem xét sự việc tổng thể. Nếu bản án sơ thẩm chưa chặt chẽ thì phúc thẩm cần thẩm định kỹ hồ sơ và xác định bản chất sự việc. Quan điểm của tôi thì không nên tách 2 bé sinh đôi nếu người mẹ đang nuôi dạy con tốt, các con hạnh phúc vui vẻ bên nhau." - một bạn đọc cũng đề nghị.
Bạn đọc Trần Tuấn cũng bày tỏ: Trường hợp này nên để các cháu ở với mẹ là hợp tình hợp lý vì các cháu song sinh. Bố các cháu đã có gia đình riêng, quá khứ đạo đức cũng chưa được chuẩn lắm (có con với người khác trong thời kì hôn nhân với mẹ cháu đã là sai rồi). Nếu điều kiện nuôi dạy của mẹ cháu tốt thì nên để con bên mẹ, các cháu có anh có em và được mẹ thương yêu chăm sóc hết mực. Người bố cần chu cấp đủ cho con.
"Phụ nữ luôn là người thiệt thòi. Hãy bảo vệ 3 mẹ con hỡi Toà công lý" - Bạn đọc Lan Hương muốn gửi ý kiến tới phiên tòa Phúc thẩm.
(Tên nhân vật trong bài viết đã thay đổi)