Trong ngày làm việc thứ hai (14/7), các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận ở tổ về các báo cáo đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Tham dự thảo luận có các vị ĐBQH tỉnh, các đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2010; tình hình thực hiện chế độ, chính sách; đầu tư xây dựng cơ bản; điều kiện xét tuyển viên chức…
Về cơ bản các đại biểu nhất trí với báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Riêng chỉ tiêu về trồng chè đạt thấp so với kế hoạch, đại biểu Nguyễn Thị Thành (Đoàn Phổ Yên) cho rằng nguyên nhân các địa phương khuyến khích nhân dân không trồng mới chè bằng hạt là chưa chính xác. Cũng theo đại biểu, nguyên nhân chính là do giữa kế hoạch và việc cung ứng giống không đồng bộ. Đề nghị trong công tác chỉ đạo, điều hành cần vận dụng linh hoạt thì mới hoàn thành kế hoạch đề ra. Đồng thời, để đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do chuyển đổi cơ cấu kinh tế như hiện nay thì phải có cơ chế, chính sách tích cực để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Thực tế hiện nay nhân dân vẫn đang sản xuất giống lúa có từ hơn 10 năm nay vì chính sách hỗ trợ của nhà nước luôn chậm và khó thực hiện; việc cung ứng giống mới không đảm bảo thời gian và số lượng nên không hiệu quả.
Bổ sung giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung cao độ cho việc triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án về giao thông.
Một nội dung mà các đại biểu rất quan tâm đó là kết quả xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm về quản lý, sử dụng đất từ năm 2006 đến năm 2009. Các đại biểu cho rằng cần có biện pháp xử lý dứt điểm những sai phạm của các doanh nghiệp, tránh tình trạng chỉ báo cáo một cách hình thức và nêu giải pháp chung chung, thiếu sức thuyết phục. Đồng thời đề nghị làm rõ việc cấp đất cho doanh nghiệp trùng vào hành lang bảo vệ đê, kè Sông Cầu, làm ảnh hưởng đến cảnh quan và sự an toàn của đê, kè Sông Cầu. Việc quy hoạch và phân loại 3 loại rừng chưa hợp lý, nhiều diện tích rừng đầu nguồn sau khi phân loại trở thành rừng sản xuất, gây ảnh hưởng tới nguồn trữ nước cho sản xuất nông nghiệp. Việc quy hoạch thiếu đồng bộ, chưa gắn sản xuất với việc bảo vệ rừng.
Đối với tờ trình về công nhận thành phố Thái Nguyên là đô thị loại I, thị xã Sông Công là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu cơ bản nhất trí với chủ trương và đề nghị cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đô thị như giao thông, hệ thống thoát nước, các khu vui chơi công cộng…và hiệu quả quản lý đô thị, đặc biệt là vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Đức Dũng-Hoàng Hiển