(HPĐT)- Hôm qua 26-10, đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, tham gia nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Viên chức.
Luật cần quy định việc từ chức
Đa số đại biểu cho rằng, tên gọi và quy định của dự thảo Luật Viên chức chưa bao quát các vấn đề, chưa có chế định cụ thể với những viên chức làm việc trong đơn vị tư.
Nhiều đại biểu đề nghị thành lập hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập để ngăn chặn tình trạng người đứng đầu lạm quyền trong tuyển dụng, sử dụng viên chức, gây hậu quả xấu-hiện tượng đang xảy ra khá phổ biến tại các đơn vị sự nghiệp. Một số đại biểu có ý kiến khác. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, việc thành lập hội đồng này làm bộ máy “phình” ra, nhưng trên thực tế hoạt động không hiệu quả, mang tính hình thức như hội đồng trường theo quy định của Luật Giáo dục. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) không tán thành quy định “người đăng ký dự tuyển làm viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam và phải cư trú tại Việt Nam”, vì như vậy không thu hút được người tài là kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài mong được về nước làm việc. Luật chỉ nên quy định “người đăng ký dự tuyển làm viên chức phải là người có quốc tịch Việt
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, khái niệm về vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp là hết sức quan trọng. Chức danh nghề nghiệp làm căn cứ xếp ngạch viên chức, nhưng vị trí việc làm là để trả lương. Nhưng định nghĩa về viên chức trong dự thảo Luật là định nghĩa theo chức danh nghề nghiệp nhưng trả lương lại trả theo hệ thống việc làm mà hệ thống này chưa được quy định rõ. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Luật cần quy định thời gian làm việc với những người có học hàm, học vị dài hơn. Những trường hợp như vậy nghỉ hưu sớm sẽ gây lãng phí nhân lực. Với những viên chức được cử đi biệt phái cần có chính sách hợp lý, vì “đi biệt phái về mất chỗ làm hoặc lương không tăng thì chẳng ai đi”.
Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị nên xem xét lại các quy định về những trường hợp đặc biệt trong ngành văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Các vận động viên, nghệ sĩ khổ luyện từ 7-8 tuổi, nhưng chưa đủ tuổi ký hợp đồng, đóng bảo hiểm, nhưng đến 20-25 tuổi không thể cống hiến, không thể về hưu vì không đủ tuổi. Vấn đề này cần có quy định cụ thể. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng để tránh nạn chảy máu chất xám từ công lập sang ngoài công lập, cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho viên chức. Tuyển dụng viên chức, ngoài yêu cầu khách quan, công bằng, cần có chính sách ưu tiên để thu hút người tài. Luật phải thể hiện rõ người tài được ưu tiên tuyển dụng ra sao so với viên chức bình thường.
Nhiều ý kiến không đồng tình với quy định viên chức không được đình công, tiền lương phải căn cứ vào chức danh nghề nghiệp chứ không phụ thuộc vào vị trí việc làm. Một số ý kiến đề nghị Luật cần quy định cụ thể về việc từ chức.
Doanh nghiệp trích doanh thu bảo hiểm để lập quỹ
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật chỉ tập trung vào một số vấn đề, đó là: sửa đổi, bổ sung để phù hợp với cam kết Tổ chức thương mại thế giới của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; sửa đổi để phù hợp với các luật liên quan và sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm phát triển bền vững.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thành lập quỹ chính là để bảo vệ người đóng bảo hiểm theo đúng thông lệ quốc tế. Tham gia ý kiến vào nội dung trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, đại biểu Cao Ngọc Xuyên (Bạc Liêu), Nguyễn Thị Lan (Quảng Ninh) không đồng tình với dự thảo Luật. Theo quy định tại khoản 3, điều 97, dự thảo Luật, nguồn trích lập là từ doanh thu phí bảo hiểm. Đây là lệ phí do các doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp, thu nhập từ hoạt động đầu tư hoặc thu từ nguồn thanh lý tài sản của doanh nghiệp phá sản và tiền vay các khoản khác... Như vậy, phần thu từ doanh nghiệp chưa thống nhất là thu từ lệ phí hay thu từ doanh thu phí bảo hiểm. Các đại biểu cho rằng: Luật cần quy định, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm sẽ trích lập quỹ từ nguồn doanh thu bảo hiểm.
Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau): Tôi cho rằng, bảo hiểm hưu trí là hoạt động hình thành nguồn tài chính bảo đảm mức sống phù hợp cho người tham gia bảo hiểm do suy giảm khả năng lao động, do tuổi già. Còn bảo hiểm sức khỏe là hoạt động hình thành nguồn tài chính chi trả cho người tham gia bảo hiểm khi xảy ra tai nạn ốm, đau, bệnh tật, thương tật hoặc chăm sóc sức khỏe. Do đó cần có ý kiến cụ thể của Bộ Y tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Quy định về bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm hưu trí hoàn toàn khác với bảo hiểm y tế hiện nay. Thực tế, hệ thống bảo hiểm mang tính chất an sinh và xã hội do Nhà nước thực hiện, luôn luôn tồn tại cùng với hệ thống bảo hiểm tự nguyện.
|