(HPĐT)- Sáng qua 6-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Luật Thủ đô.
Đa số các đại biểu cho rằng, cần thiết ban hành đạo luật với những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với danh hiệu là trái tim của cả nước.
Đồng quan điểm với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) băn khoăn về quy định “Áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú” là chưa thuyết phục. Theo đại biểu, phải chăng ý thức chấp hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô kém hơn các nơi khác, nên phải áp dụng mức xử phạt cao hơn? Tại sao lại chỉ tăng mức phạt trong 6 lĩnh vực mà không phải tất cả các lĩnh vực? Nếu đặt vấn đề răn đe đối với các hành vi vi phạm hành chính, thì tại sao lại không đặt vấn đề áp dụng hình phạt nặng hơn đối với các hành vi phạm tội hình sự, bởi vì các hành vi này xét về tính chất nguy hiểm cho xã hội thì cao hơn rất nhiều so với các hành vi vi phạm hành chính...
Đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) đề nghị, cần sớm di chuyển các trường đại học, bệnh viện, cơ quan Nhà nước ra khỏi nội đô để giảm áp lực cho hạ tầng giao thông, nhất là giải quyết vấn đề tắc đường. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo Luật chưa phản ánh cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Hà Nội; chưa đề xuất giải pháp cụ thể để quản lý và phát triển Thủ đô.
Nhiều đại biểu khác đề nghị, việc xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm không trái với Hiến pháp, không tạo ra một thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết về nghĩa vụ, trách nhiệm của Thủ đô với Trung ương và với các địa phương khác. Thủ đô có thể có những quy định riêng, nhưng nằm trong phạm vi thành phố đó, không nhất thiết quy định đó do HĐND thành phố Hà Nội ban hành… Nghị quyết HĐND thành phố Hà Nội ban hành là để đề ra các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, pháp luật, mà không phải để điều chỉnh những vấn đề chưa được pháp luật điều chỉnh. Do đó, không nên quy định trong dự thảo Luật.
Nhiều đại biểu tán thành, cần tiếp tục bổ sung đầy đủ các nội dung về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ… Quốc hội chưa nên thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp này. Về mặt quốc phòng- an ninh, đây là địa bàn đặc biệt quan trọng không thể để xảy ra bất kỳ biến cố bất thường nào. Vì vậy, Hà Nội cần được bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ, quốc phòng - an ninh để làm tròn chức năng Thủ đô của cả nước. Đây không chỉ là trách nhiệm của Hà Nội mà còn của Trung ương.
Ngày 8-11, Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND; dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp; thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011./.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) :
Dự thảo Luật bảo đảm các trình tự, thủ tục xây dựng Luật, độ dài vừa phải, có nhiều tài liệu tham khảo, bổ sung.
Tôi đồng ý với Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Nhưng theo quy định của Hiến pháp, dự thảo Luật còn nhiều điều chưa phù hợp, một số quy định trái với Hiến pháp (quy định đặc thù riêng, vậy phải chăng các Luật khác quy định cùng một vấn đề không có hiệu lực trên địa bàn thành phố Hà Nội...). Trong dự thảo Luật có nhiều điều chưa phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Cư trú..., chưa rõ phạm vi điều chỉnh, quy định quyền hạn quá rộng như là một quốc gia thu nhỏ.
Điều 6, biểu tượng của Thủ đô do HĐND thành phố Hà Nội quyết định là chưa ổn vì đây là biểu tượng Thủ đô của cả nước. Điều 9, giải thích từ ngữ chưa hợp lý, không chuẩn mực và không thuyết phục. Nhiều điều luật không mang tính quy phạm pháp luật, nặng về khẩu hiệu, nghị quyết. Nhiều điều được quy định trong Hiến pháp và các luật khác. 2/3 số điều trong dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết là quá nhiều.
Do đó, đề nghị Quốc hội chưa thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp này, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp, chuẩn mực hơn. Cần tham khảo thêm về Luật Thủ đô của một số nước khác. Trước mắt, chỉ nên sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Thủ đô cho phù hợp với tình hình thực tế../.