(HPĐT)- Hôm qua 5-11, Quốc hội nghe và thảo luận tại hội trường các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; phòng, chống tham nhũng; công tác thi hành án và công tác đặc xá.
Phần lớn các đại biểu đồng tình và tâm đắc với nhiều nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội và cho rằng báo cáo đánh giá thẳng thắn, xác đáng; các vụ phạm tội có hành vi gây án nghiêm trọng, bạo lực trong gia đình, học đường có chiều hướng gia tăng. Loại hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện phương thức, thủ đoạn tinh vi mới, như trong các vụ buôn bán trẻ em, phụ nữ. Hoạt động của tội phạm ma tuý vẫn diễn biến phức tạp. Các đại biểu cơ bản tán thành các giải pháp báo cáo đã nêu.
Thảo luận tại hội trường về các báo cáo này, các đại biểu tham gia nhiều ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010, giải quyết đơn thư khiếu nại và trấn áp các loại tội phạm...
Các đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An), Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi vẫn là nỗi bức xúc của toàn xã hội. Số vụ tham nhũng được các địa phương phát hiện, xử lý chưa nhiều, chủ yếu là ở cấp xã, thậm chí có địa phương không phát hiện và xử lý được vụ nào. Liệu càng lên cấp cao, tham nhũng càng giảm hay do tham nhũng ở cấp càng cao thì quy mô tính chất nghiêm trọng, thủ đoạn phức tạp tinh vi, tổn thất càng lớn và dính dáng đến nhiều cấp, nhiều người nên càng khó phát hiện xử lý hơn? Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân mà cốt lõi là củng cố nâng lên thành niềm tin, không để cán bộ, đảng viên, nhân dân hoài nghi, thờ ơ với quyết tâm chính trị vì mục tiêu ngăn ngừa tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
Để làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, cần tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh có điều kiện dễ vi phạm pháp luật như quản lý kinh doanh games online, hoạt động biểu diễn nghệ thuật và trình diễn… là những lĩnh vực nhạy cảm và ảnh hưởng trực tiếp đến giới trẻ.
Góp ý kiến về chất lượng hoạt động của ngành công an, tòa án, kiểm sát và thi hành án, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề nghị Quốc hội, Nhà nước sớm xem xét tăng chế độ đãi ngộ, thu hút người tài.
Đại biểu Lê Kim Cuông (Thanh Hóa) kiến nghị, vụ việc liên quan đến giải quyết của Bộ Giáo dục-Đào tạo, Thanh tra Chính phủ tồn đọng kéo dài nhiều năm đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Theo đại biểu, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục-Đào tạo thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, ngành Công an cần cương quyết hơn nữa trong việc trấn áp tội phạm bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân. Bên cạnh đó, các đại biểu nêu ý kiến về xử lý vi phạm hành chính, tăng cường công cụ và phương tiện giúp người thi hành công vụ tự tin khi trấn áp tội phạm. Một số sự cố đáng tiếc xảy ra là, một phần do vũ khí được trang bị hiện nay là vũ khí quân dụng. Vì thế, cần trang bị vũ khí công vụ cho lực lượng này, đồng thời sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về sử dụng vũ khí.
Hôm nay 6-11, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Thủ đô./.