Ngày 4/6/2013 vừa qua, TAND tỉnh Bình Dương đã xét xử sơ thẩm bị cáo Dương Hoàng Dũng (SN 1965, tức Dũng “ben”) và đồng bọn về các tội danh “Giết người”, “Hủy hoại tài sản” và “Không tố giác tội phạm”.
Từ một trinh sát có năng lực, được cấp trên kỳ vọng, Dũng “ben” được cử thâm nhập vào những băng nhóm giang hồ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh để tìm hiểu về hoạt động của “thế giới ngầm” nơi đây. Tuy nhiên, Dũng đã “tuột xích”, trượt dài từ một cảnh sát hình sự trở thành một tay giang hồ máu mặt. Trong một lần được “nhờ vả” đòi nợ giúp ở Bình Dương, Dũng “ben” đã dùng súng bắn chết con nợ.
Dương Hoàng Dũng (ngoài cùng bên phải) và đồng bọn trước vành móng ngựa |
Vết trượt dài của trinh sát hình sự
Được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng sau khi tốt nghiệp phổ thông thì Dũng lại theo học trung cấp cảnh sát ở TP.Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, Dũng được phân công công tác tại Công an quận Bình Tân. Thời gian này tình hình an ninh trật tự trên địa bàn diễn biến khá phức tạp với sự lồng hành của không ít băng nhóm tội phạm. Để trấn áp tội phạm, cơ quan công an đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm nắm bắt hoạt động của chúng.
Ngày đó, chàng trinh sát trẻ Dương Hoàng Dũng đã được giao nhiệm vụ thâm nhập vào thế giới ngầm để thu thập thông tin phục vụ công tác phòng, chống tội phạm. Để lấy được lòng tin của giới giang hồ, Dũng đã nhập vai du đãng rất “ngọt”, tham gia mọi hoạt động và các cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng của chúng. Ai dè, do bản lĩnh chính trị yếu kém, lập trường tư tưởng không vững vàng nên sau đó Dũng đã dần dần đánh mất mình.
Mở đầu cho vết trượt dài của Dũng là việc gã trộm cắp súng của đồng nghiệp vào năm 1998. Vì việc này, Dũng bị tước quân tịch và bị cho ra khỏi ngành. Khi không còn phục vụ trong ngành công an, gã lập tức quay lại với thế giới ngầm. Với những quan hệ và kiến thức về giới giang hồ trong thời gian còn là trinh sát công an, Dũng nhanh chóng chiêu nạp được khá nhiều đàn em và trở thành đại ca với biệt danh Dũng “ben”.
Trên hành trình “lấy số” của mình, Dũng gây “ấn tượng” với các băng nhóm khác bằng nhiều cách. Một trong những vụ việc có “tiếng vang” nhất là lần gã gây ra vụ nổ súng tại lễ khai trương một nhà hàng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh để tranh giành quyền bảo kê. Vì vụ này, gã đã phải xộ khám ngay sau đó.
Ra tù, Dũng “ben” lại thu nạp thêm đệ tử, sắm hàng “nóng” để tạo thanh thế. Tiếp đó, Dũng gom được nhiều hợp đồng đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, dính vào nhiều hoạt động phi pháp, thậm chí bị điều tra về hành vi mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Ngoài ra, Dũng còn từng làm chủ một công ty chuyên khai thác vàng ở Quảng Nam. Oái oăm thay, đang vào lúc “hét ra lửa” và “hái ra tiền” thì Dũng lại phải “nhập kho”. Chuyện là trong một lần đi đòi nợ thuê năm 2011 ở Bình Dương, gã đã bắn chết chủ một doanh nghiệp. Trả giá cho hành động ngông cuồng đó là bản án tù chung thân dành cho gã.
Án mạng xôn xao dư luận
Nguyên nhân của vụ án mạng gây xôn xao dư luận Bình Dương một thời bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa hai doanh nghiệp. Theo cáo trạng, người nhờ Dũng “ben” đòi nợ là Phạm Tuấn Thành (SN 1970, ngụ Bến Cát, tỉnh Bình Dương), chủ doanh nghiệp chế biến hạt điều ở Nam Hải.
Đầu tháng 9/2009, Thành mua của vợ chồng ông bà Phan Văn Lan và Ngô Thị Mai Thảo (chủ doanh nghiệp Lan Thảo) một lô đất 3.900m2 tại Bến Cát với số tiền khoảng 3,7 tỷ đồng. Thành đặt cọc 2,05 tỷ đồng, số còn lại sẽ trả đủ sau khi làm thủ tục hợp đồng chuyển nhượng.
Tuy nhiên, sau đó vợ chồng ông Lan không tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận nên Thành yêu cầu trả lại tiền đặt cọc. Ông Lan đã hoàn lại cho Thành 1,55 tỷ đồng, số còn lại hứa thanh toán vào ngày 10/5/2011. Ngày 6/5/2011, Thành điện thoại nhắc ông Lan trả nợ thì xảy ra cãi vã. Sau đó, Thành đi xe máy đến gặp vợ chồng ông Lan để nói chuyện thì hai bên tiếp tục gây gổ. Trong lúc cãi nhau, Thành bị ông Lan cùng nhân viên dùng gậy đuổi đánh gây thương tích, Thành phải bỏ xe chạy bộ. Về đến nhà, Thành nhờ người lái xe của mình đến lấy lại xe máy nhưng anh này không lấy được xe mà còn bị dọa đánh nên bỏ về.
Tức giận, Thành nhờ người đòi nợ với giá 100 triệu đồng và được giới thiệu đến Dũng “ben”. Dũng nhận lời Thành rồi gọi thêm đàn em để thực hiện “hợp đồng”. Ngồi trên xe, nghe Thành kể phía ông Lan rất đông người, Dũng nghĩ có thể sẽ đánh nhau nên điện thoại gọi thêm một số đàn em ở Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) sang giúp.
Số đối tượng này thủ sẵn hung khí lên xe sang Bình Dương giúp Dũng “ben” đòi nợ vợ chồng ông Lan. Riêng Dũng, sau khi gọi tiếp viện xong thì gã về nhà lấy một khẩu súng ngắn giắt vào lưng quần. Đến trụ sở doanh nghiệp Lan Thảo, Dũng phân công nhiệm vụ cho các đàn em rồi cùng hai người đi vào khu vực văn phòng yêu cầu nhân viên kêu ông Lan về.
Do đợi lâu không thấy ông Lan, Dũng kêu đàn em vào trong đập phá máy vi tính, máy đếm tiền... Đến 18h cùng ngày, ông Lan về. Thấy Thành, ông Lan liền cầm cục đá đánh Thành nhưng không được. Ông Lan tiếp tục sang quán ăn bên cạnh lấy con dao tự chế quay lại thì Dũng rút từ trong người khẩu súng ngắn chĩa về hướng ông Lan. Thấy ông Lan vẫn lao đến, Dũng liền bóp cò. Ông Lan bị viên đạn găm vào ngực trái, lảo đảo chạy được một đoạn ngắn thì gục xuống.
Sau khi bắn ông Lan, nhóm của Dũng ra xe về TP.Hồ Chí Minh. Được sự giúp đỡ của các đối tượng khác, Dũng “ben” bỏ trốn đến ngày 14/8/2012 thì bị bắt cùng người tình Võ Thị Thúy Dung tại Hà Nội. Các đối tượng khác có liên quan đến vụ án trên cũng lần lượt bị bắt và đầu thú tại cơ quan điều tra.
Dẫn giải Dũng “ben” và đồng phạm |
Đền tội sau 5 ngày xét xử
Ngày 4/6/2013, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên sơ thẩm xét xử Dương Hoàng Dũng và đồng bọn về các tội danh “Giết người”, “Hủy hoại tài sản” và “Không tố giác tội phạm”. Phiên tòa kéo dài trong 5 ngày (không kể thứ bảy và chủ nhật), đến ngày 10/6/2013 tòa mới tuyên án.
Về diễn biến trong phiên tòa, Dũng “ben” đã thành khẩn khai nhận hành vi bắn chết ông Lan. Tuy nhiên, bị cáo Thành (vai trò chủ mưu) và các đàn em của Dũng thì một mực không nhận mình đã phạm tội giết người. Thành bao biện cho rằng mình chỉ nhờ Dũng gây áp lực để đòi nợ và lấy xe chứ không lên kế hoạch giết ông Lan. Các bị cáo khác thì khai nghe Dũng gọi thì đi “chơi” chứ không tham gia giết người.
Trong các phiên xét xử, đặc biệt là phần tranh tranh tụng ngày 10/6/2010, các luật sư bào chữa cho đa số bị cáo (trừ Dũng “ben”) đưa quan điểm cho rằng các bị cáo không tham gia giết người và yêu cầu cơ quan tố tụng chứng minh vai trò đồng phạm cũng như hành vi côn đồ mà Viện kiểm sát truy tố.
Bác quan điểm này, đại diện Viện kiểm sát cho rằng các bị cáo (đặc biệt là bị cáo Dũng) đã ý thức được khi đi đòi nợ sẽ có thể dẫn đến đánh nhau nên đã chuẩn bị hung khí và gọi thêm người tới nơi xảy ra vụ án. Các bị cáo không bàn bạc giết người từ trước nhưng có sự phân công, bố trí bảo vệ bị cáo Thành, cũng như khi có chuyện thì tiếp ứng.
Căn cứ theo các tài liệu và chứng cứ của vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: Dương Hoàng Dũng chung thân về tội danh “Giết người” và “Hủy hoại tài sản”. Phạm Tuấn Thành 20 năm tù về tội “Giết người”. Các bị cáo khác lĩnh án từ 7 đến 17 năm tù. Những người che giấu và không tố giác Dũng là em trai, vợ và người tình của Dũng bị xử từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Phạm Văn - Đông Phong