Số lượng đàn ông châu Á buộc phải tìm bạn đời ở nước khác ngày càng tăng do số lượng phụ nữ muốn kết hôn đang giảm dần.
Một đám cưới theo nghi thức truyền thống tại Nhật Bản. Ảnh: makingthishome.com. |
Xu hướng trên đã bắt đầu từ thập kỷ trước. Một nghiên cứu cho thấy việc phụ nữ tại các nước châu Á không muốn kết hôn với đàn ông cùng quốc tịch đã tạo nên làn sóng di cư của phái đẹp.
“Kể từ những năm đầu thập niên 90, ngày càng có nhiều đàn ông ở châu Á phải tìm kiếm vợ ở nước ngoài”, Daniele Belanger, trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định.
Tại đảo Đài Loan, theo thống kê năm 2009 thì 15% số bà vợ ở đây có nguồn gốc nước ngoài. Con số đó là 8% ở Hàn Quốc. Ở Nhật Bản, xu hướng lấy vợ ngoại còn diễn ra sớm hơn – từ những năm 80 – nhưng với mức độ khiêm tốn. Trong vài năm gần đây chỉ có 5 hoặc 6% số bà vợ ở Nhật tới từ nước ngoài.
Belanger nói nếu không tính những lao động nhập cư tạm thời thì Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Đài Loan sở hữu nhiều cô dâu ngoại quốc nhất. Bà cho rằng nguyên nhân khiến đàn ông tại ba nơi này tìm vợ ở nước ngoài là do sự khan hiếm phụ nữ sẵn lòng lấy chồng tại quê hương.
Trình độ học vấn của phụ nữ và số lượng phụ nữ có bằng cấp cao tại châu Á tăng dần theo thời gian khiến sự hiện diện của họ trên thị trường lao động ngày càng lớn.
Vì thế, ngày càng có nhiều phụ nữ châu Á không chấp nhận cuộc sống của một người vợ truyền thống. Họ sẵn sàng sống độc thân để giữ việc làm.
“Trong khi đó, theo truyền thống tại nhiều nước châu Á thì đàn ông phải sinh con trai để nối dõi tông đường và chăm sóc họ khi đến tuổi già. Do đó họ không thể sống độc thân mãi”, Belanger viết.
Phần lớn cô dâu ngoại quốc tới từ Trung Quốc đại lục và Việt Nam. Ban đầu những cuộc hôn nhân giữa trai bản xứ và gái ngoại quốc chỉ diễn ra ở những vùng nông thôn nghèo. Nhưng ngày nay nó đã lan tới cả tầng lớp trung lưu ở đô thị. Nhu cầu lấy vợ ngoại dẫn tới sự ra đời của nhiều dịch vụ mai mối. Nhà trai phải trả phí dịch vụ nếu lấy được vợ.
Một số người lo ngại những cô dâu ngoại quốc có thể là nạn nhân của tình trạng buôn người, nhưng Belanger nhấn mạnh: “Phần lớn phụ nữ nhập cư lấy chồng bản xứ theo nguyện vọng của họ. Mục tiêu của họ là ra nước ngoài và lấy chồng ở đó”.
Nguồn: VNExpress