Nhà thơ Nga xuất chúng Bulad Okudzhava có lần nói rằng “Thi sĩ không có đối thủ”. Có lẽ thế. Cứ cho là không phải lúc nào câu nói đó cũng đúng, nhưng mỗi năm quả là có một ngày như vậy. Đó là ngày 21/3, Ngày thơ toàn thế giới, được tổ chức theo quyết định của UNESCO.
Trong Ngày Thơ quốc tế, tại các thành phố Nga đều tổ chức đêm thơ để các thi sĩ giới thiệu những sáng tác mới của mình. Để chào đón ngày thơ, tại Matxcơva đã xuất bản một tuyển tập thơ thường niên, gồm sáng tác của hơn 200 thi sĩ. Nhiều người trong số họ nổi tiếng ở nước ngoài qua các bản dịch, chẳng hạn như các nghệ nhân ngôn từ vừa đi dự Festival “Mùa xuân của các thi sĩ” ở Pháp. Olesia Nikolaeva, Lev Rubinstein, Evgheni Bunimovich khá lạc quan với tương lai của nghệ thuật thơ ca. Thậm chí, bất chấp các “đối thủ” nguy hiểm, đang xuất hiện nhan nhản như nấm. “Trước đây người ta từng viết thơ, bây giờ đang viết và trong tương lai vẫn như vậy, — Evgheni Bunimovich khẳng định – Hầu như bất cứ ai thời trẻ cũng trải qua giai đoạn như vậy, khi nảy nở mối tình đầu, đặc biệt là tình đơn phương.” Ông nói tiếp:
“Các vị để ý mà xem, trong thơ ca Nga rất nhiều bài về tình yêu bi thảm và rất ít thơ về mối tình hạnh phúc, và điều đó không hề ngẫu nhiên. Khi có mối tình hạnh phúc thì con người sẽ phải làm nhiều việc khác, còn nếu đau khổ thì sẽ xuất hiện thơ ca và người thi sĩ. Thời thanh niên, những nỗi niềm như vậy đến với hầu như tất cả mọi người, và khi đó thơ sẽ xuất hiện. Nhưng ở Nga, người ta thường có thái độ khá châm biếm với thơ và với nhà thơ. Có một câu chuyện như thế này. Tham gia Ngày hội thơ ở Paris, tôi đến một trường phổ thông theo lời mời. Vì thơ tôi được dịch và xuất bản tại đây, giáo viên ra đề cho các em học sinh, thế là cả lớp đã phân tích một bài thơ của tôi. Ở ta, không thể nào có chuyện như vậy, thơ ca là đặc quyền của những nhóm người được lựa chọn.”
Nhà thơ nổi tiếng Konstantin Kedrov cho rằng, ở Nga, thi sĩ nhiều khi phải chứng minh rằng anh ta đang làm một công việc rất quan trọng và nghiêm túc. Bởi vì, có những người cho rằng, nhà thơ cũng giống như con ve sầu vô tích sự trong chuyện ngụ ngôn – chỉ biết rong chơi và ca hát, khác hẳn với con kiến chăm làm. Chính bởi vậy mà Konstantin Kedrov đã lập ra “Hội tình nguyện bảo vệ ve sầu”. Ông nói:
“Trong số hội viên có các nhà thơ danh tiếng như Andrei Voznesenski chẳng hạn. Chúng tôi cố gắng làm tất cả mọi việc để ai cũng có thể tiếp cận công việc yêu thích mà nếu thiếu đi thì họ sẽ không sống nổi. Giả sử có ai đó nói rằng họ có thể sống không cần thơ, tôi sẽ thấy người đó vô cùng đáng thương .”
Những ai chưa cảm thấy ngôn từ thơ ca là cần thiết, họ sẽ có vô số cơ hội để sửa chữa điều đó trong Ngày thơ quốc tế 21.3.