Ngày 8/3 bắt đầu tiêm vaccine Covid-19

Việt Nam sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ đầu tuần tới.
Việt Nam sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ đầu tuần tới.
(PLVN) - Dự kiến đầu tuần tới, những liều vaccine Covid-19 đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam. Vậy những đối tượng, địa phương nào sẽ được ưu tiên tiêm trước?

18 cơ sở y tế và 13 tỉnh được ưu tiên 

Tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 hôm qua (5/3), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến những liều vaccine AstraZeneca đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam vào ngày 8/3.

Trước hết, vaccine được triển khai tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19, ưu tiên những người trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân; tập trung cho 13 tỉnh có dịch, trong đó ưu tiên nhất cho Hải Dương... Những người được tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine...

Hơn 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã về Việt Nam ngày 24/2. Sau các cuộc làm việc với phía nhà sản xuất tại Hàn Quốc, lô vaccine đã có giấy kiểm định chất lượng xuất xưởng. Bộ Y tế giao một đơn vị kiểm nghiệm lô vaccine này. “Đến nay đã đủ điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Theo kế hoạch, hôm nay - 6/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, tập huấn toàn quốc về tiếp nhận, sử dụng, bảo quản vaccine, cũng như xử lý tai biến sau tiêm... Dự kiến, trong tháng 4 thêm khoảng 1,3 triệu liều vaccine từ chương trình Covax Facility, tháng 5 thêm vaccine mua tiếp theo.

“Tuy nhiên, phải khẳng định tiêm vaccine không bảo đảm phòng bệnh 100%”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo. Theo thông tin của nhà sản xuất, vaccine của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vaccine AstraZeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng “không để tâm lý vaccine giải quyết được hết các vấn đề mà phải tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch”.

Theo Bộ trưởng, việc đảm bảo đủ vaccine rất khó khăn. Đây là những vaccine mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ. Quan điểm của Bộ Y tế là bên cạnh việc mua vaccine từ nước ngoài, phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn vaccine trong nước.

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, vaccine là vấn đề đặc biệt nhạy cảm. Bộ Y tế phải là đầu mối điều phối thống nhất, không thể để tình trạng các địa phương đàm phán trực tiếp với DN chào bán vaccine ngừa Covid-19.

Ban Chỉ đạo yêu cầu việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 phải bảo đảm nguyên tắc công bằng vaccine của Liên Hợp quốc, khẩn trương nhưng phải rất chắc chắn, đặc biệt phải thông báo đầy đủ cho người dân, chuẩn bị đầy đủ phương án xử lý những vấn đề, sự cố phát sinh trong quá trình tiêm chủng.

Thúc đẩy hơn nữa nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước

Ghi nhận nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tiếp cận vaccine nước ngoài ngay từ rất sớm cũng như thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine ở trong nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 đề nghị: Khi có vaccine ngừa Covid-19, Bộ Y tế tổ chức tiêm, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất.

Đánh giá đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế từng bước tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân và khi triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp ngày 5/3.
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp ngày 5/3.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải thúc đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Theo Phó Thủ tướng, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã có một số vaccine sản xuất trong nước rất tốt và nếu nghiên cứu, phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19, chúng ta sẽ chủ động được nguồn vaccine cho 100 triệu dân.

Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để năng lực nghiên cứu vaccine của Việt Nam bước lên một tầm mới, để chuẩn bị ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Tuy vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài để kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu nhưng căn bản nhất vẫn phải là các biện pháp phòng chống dịch ban đầu, cộng thêm với vaccine. Vì vậy, mọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên Bản đồ chống dịch (antoancovid.vn).

“Ban Chỉ đạo và cá nhân tôi đã nhiều lần yêu cầu thực hiện việc tự đánh giá, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch nhưng đến nay chỉ có rất ít các cơ sở lưu trú, trạm y tế, phòng khám tư nhân… làm nghiêm túc. Các đồng chí phải siết lại, vì sức khỏe nhân dân để đôn đốc triển khai quyết liệt thậm chí kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động những nơi không thực hiện nghiêm túc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng lưu ý, “trước đây khi chưa có vaccine chúng ta vẫn đang chống dịch tốt” nên thời gian tới cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch chủ động. Cá nhân là thông điệp 5K, còn tất cả cơ sở pháp nhân, tổ chức phải tự đánh giá, cập nhật lên bản đồ chống dịch. Đây là những biện pháp phòng chống dịch căn bản, bảo đảm an toàn dịch bệnh lâu dài.

Đọc thêm

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bác sĩ đa chuyên khoa phối hợp tìm ra phương án điều trị cho bệnh nhân.
(PLVN) - Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.