Sáng 31-7, lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 – 1-8-2010) diễn ra trọng thể tại Nhà hát lớn, Thủ đô Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao bức trướng của Ban chấp hành Trung ương Đảng tặng ngành Tuyên giáo Ảnh: TTXVN |
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tới dự và trao bức trướng của Ban Chấp hành trung ương Đảng tặng Ngành Tuyên giáo và phát biểu tại buổi lễ. Bức trướng có dòng chữ: “Trung thành, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tới dự và chung vui trong ngày truyền thống của những người làm công tác Tuyên giáo có các đồng chí: Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng |Ban Tuyên giáo Trung ương trân trọng ôn lại những thời kỳ lịch sử hào hùng, những chặng đường gian khổ nhưng rất đỗi tự hào trong sự nghiệp Tuyên giáo của Đảng.
Diễn văn nêu rõ: Trải qua 80 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cách mạng, ngành Tuyên giáo luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Suốt chặng đường vẻ vang ấy, đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Diễn văn tổng kết: Từ thực tiễn sinh động và phong phú của công tác Tuyên giáo qua 80 năm, chúng ta có thể rút ra một số bài học chủ yếu: Kiên định lý tưởng, mục tiêu cách mạng, kiên định những nguyên tắc cơ bản là nhân tố quyết định bảo đảm cho công tác Tuyên giáo đúng hướng. Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, đề xuất, truyền bá, giáo dục lý luận đồng thời thường xuyên triển khai các hoạt động thực tiễn trên các lĩnh vực của công tác Tuyên giáo là hai mặt không thể tách rời nhau trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công tác Tuyên giáo suốt 80 năm qua. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải quan tâm và trực tiếp chỉ đạo công tác Tuyên giáo, coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của mình. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, có năng lực, trình độ nghề nghiệp tốt, có đạo đức trong sáng, có tri thức và phương pháp công tác khoa học. Các đặc thù, phẩm chất của các cán bộ tuyên giáo: hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, ở mọi miền Tổ quốc, từ Trung ương đến cơ sở, trung thành với sự nghiệp cách mạng, bám sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân, có khả năng tập hợp, đoàn kết, thuyết phục quần chúng, thông thạo chuyên môn - nghiệp vụ… là nhân tố trực tiếp quyết định hiệu quả công tác Tuyên giáo. Chủ động, kiên quyết phản bác có cơ sở khoa học và sức thuyết phục các quan điểm sai trái, phản động. Nắm vững bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, văn hoá, tổ chức tốt lực lượng, chủ động tiến công các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… là bài học lớn của công tác Tuyên giáo, không chỉ có ý nghĩa trong quá khứ mà còn có giá trị thực tiễn trong thời kỳ mới…
Chưa bao giờ thực tiễn đặt ra những đòi hỏi bức xúc đối với công tác lý luận như hiện nay. Vì vậy, công tác Tuyên giáo phải đổi mới toàn diện, mạnh mẽ về nội dung và phương thức , không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả cụ thể, góp phần làm cho mặt tích cực, cái mới, cái tiến bộ trở thành xu hướng chỉ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội, nêu cao khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần đại đoàn kết, sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận lớn trong xã hội để xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn mà Ngành Tuyên giáo đã đạt được; đồng thời biểu dương, cảm ơn các thế hệ cán bộ làm công tác tư tưởng, công tác Tuyên giáo đã có những đóng góp xuất sắc trong 80 năm qua.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Ngành Tuyên giáo cần đi sâu nghiên cứu, tổng kết những bài học kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo và phát triển trong điều kiện cụ thể ngày nay, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội; đồng thời đổi mới về nội dung, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới.
(Theo TTXVN)