Tiếp tục rút ngắn thời gian thông quan
Mục tiêu chung được Tổng cục Hải quan xác định là: Tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hải quan, thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại, bảo đảm kiểm soát tuân thủ, bảo đảm nguồn thu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa hàng hóa qua biên giới; giảm thiểu giấy tờ, giảm chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính. Quyết liệt triển khai để thay đổi căn bản phương thức kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc đánh giá quản lý rủi ro, áp dụng thông lệ quốc tế, kết nối chia sẻ thông tin giữa cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành và với cơ quan Hải quan.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát nêu trên, Tổng cục Hải quan đề ra các chỉ tiêu cụ thể, trong đó, phấn đấu đến hết năm 2017, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu. Đến hết năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 60 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 80 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu (Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Chính phủ đã giao cho các cơ quan, trong đó có ngành Hải quan rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày (240 giờ) đối với hàng hóa xuất khẩu và 12 ngày (288 giờ) đối với hàng hóa nhập khẩu).
Như vậy, chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2017, kể cả đến hết năm 2020, là cao hơn nhiều so với năm 2016. Điều này đòi hỏi toàn Ngành phải nỗ lực rất nhiều mới có thể phấn đấu thực hiện được các chỉ tiêu Chính phủ giao.
Ngành Hải quan cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2017, cải thiện vị trí xếp hạng về thời gian thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới từ thứ hạng 93 về thứ hạng dưới 82 (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới). Trong năm 2017, 100% dịch vụ công của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3; 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.
Chú trọng công tác xây dựng pháp luật
Về hoàn thiện pháp luật hải quan, toàn Ngành tiếp tục xây dựng để hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Đặc biệt, tập trung nguồn lực xây dựng các Nghị định của Chính phủ điều chỉnh về công tác hải quan; Xây dựng, phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia; Xây dựng và thực hiện Đề án kết nối trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử giữa cơ quan Hải quan với các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi tại cảng biển, cảng hàng không; Đề án công nghệ thông tin thực hiện quản lý hải quan đối với doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện tốt các mục tiêu về nâng cao công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN...
Bên cạnh các nhiệm vụ nêu trên, ngành Hải quan cũng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện Hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS. Chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 Dự án Hệ thống VNACCS/VCIS khi được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt; hàng năm, giảm tỷ lệ kiểm tra luồng vàng, luồng đỏ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan; công tác điều tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Xây dựng cơ chế kiểm soát về xuất xứ, chế độ quản lý đối với các loại hình hàng hoá, phương tiện vận tải phù hợp cam kết theo đúng lộ trình và mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, theo đó trong năm 2017, phấn đấu đạt 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3; 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.