[links()]Thẻ ghi nợ nội địa, cũng như các loại thẻ ngân hàng khác, được phát triển trong một kì vọng giảm phụ thuộc tiền mặt trong tiêu dùng hàng ngày. Tuy nhiên, trong khi hạ tầng kĩ thuật chưa sẵn sàng để đáp ứng được kì vọng này, và người tiêu dùng đang phải kiên nhẫn giữ thẻ chờ một ngày được “tiêu dùng thông thái”, thì nhiều vấn đề phát sinh đang cản trở chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt.
Đến hẹn lại… xếp hàng
Theo quy định tại Bộ luật Lao động, lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trả lương qua tài khoản đang được nhiều DN áp dụng bởi thực tế cho thấy, đây là một chủ trương đúng, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian cho chủ thẻ, tiết kiệm chi phí, nhân lực trả lương, tăng số giờ làm việc thực tế cho người sử dụng lao động, tiết kiệm cho ngân sách, tiết giảm chi phí tổng thể cho toàn xã hội liên quan đến trả lương bằng tiền mặt.
Cảnh xếp hàng chờ rút tiền thường thấy ở các khu công nghiệp |
Đối với nhiều chủ thẻ, tấm thẻ ghi nợ nội địa gắn với tài khoản thanh toán ngoài chức năng rút tiền tại ATM còn có thể được sử dụng vào nhiều mục đích thanh toán không dùng tiền mặt khác mà chủ thẻ hoàn toàn không mất phí như thanh toán tiền hàng hóa-dịch vụ qua cà thẻ (POS) hoặc với mức phí cạnh tranh như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, thanh toán điện tử qua ATM, dịch vụ ngân hàng qua Internet, qua tin nhắn SMS...
Ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN: Dịch vụ ngân hàng không phải dịch vụ công - Trên thực tế, các dịch vụ ngân hàng hoặc các dịch vụ tiện ích khác trong xã hội mà không phải là dịch vụ công, nói chung việc cung ứng dịch vụ thường trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà cung ứng dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, trong đó có thỏa thuận về mức và loại phí. Các dịch vụ tiện ích miễn phí (nếu có) thường chỉ có trong một giai đoạn nhất định, phù hợp với chiến lược và năng lực của từng tổ chức trong từng thời kỳ và nếu duy trì trong thời gian dài sẽ không đảm bảo chất lượng hoặc phát triển không bền vững do không cân đối được lợi ích và chi phí. |
Đối với chủ thẻ là người làm công, nhất là người làm công trẻ, chiếc thẻ ATM còn có tác dụng như một chiếc ví để tiết kiệm tiền bởi việc không có sẵn tiền mặt thường trực cũng hạn chế tiêu pha hoang phí.
Tuy nhiên, hiện nay, các điểm chấp nhận thẻ, các dịch vụ thanh toán qua thẻ còn quá ít ỏi so với nhu cầu phong phú của cuộc sống. Vì vậy, đa phần chủ thẻ không có lựa chọn nào khác ngoài việc rút tiền mặt từ các cây rút tiền để trở thành một mắt xích trong chuỗi của nền “kinh tế tiền mặt”.
Vì thế, cảnh đứng xếp hàng chờ rút tiền từ lâu không còn là hiện tượng lạ ở các khu công nghiệp – nơi tập trung đông công nhân - mà lượng cây rút tiền ít, hạ tầng chấp nhận thẻ có hạn.
“Đặc biệt trong những tháng gần kì nghỉ, cứ phải xếp hàng rút tiền thế này chúng tôi cũng nản lắm, chỉ muốn vô quách trong quầy mà rút – chị Thục Quyên, công nhân ngành hàng tiêu dùng trong KCN Bình Dương – chia sẻ.
“Nhưng đi rút tại quầy cũng cần phải tính đến những yếu tố như mất chi phí đi lại, tốn thời gian do xếp hàng, đợi phục vụ và bị giới hạn về địa điểm giao dịch, thời gian phục vụ chỉ trong giờ làm việc ngân hàng. Điều đó thì công nhân bị quản giờ giấc ngặt nghèo như chúng tôi không đáp ứng được”.
Ai dám “mặc cả” với “sếp”?
Một đại diện của NHNN chia sẻ, trong trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản; người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Do vậy, trong trường hợp trả lương qua chuyển khoản, nếu không có thỏa thuận khác với người lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải trả đầy đủ lương cho người lao động vào tài khoản ngân hàng, không được khấu trừ các loại phí mở và duy trì tài khoản vào tiền lương của người lao động khi trả vào tài khoản. Nếu ngân hàng hoặc DN, tổ chức nào làm trái nguyên tắc trên là vi phạm quy định pháp luật về trả lương qua tài khoản.
Đa phần các DN “chịu” chi phí mở thẻ nhưng các loại phí khác, nhất là phí trừ theo tháng, hầu hết lại “trút lên” đầu chủ thẻ.
Tuy nhiên, trong giao dịch giữa người lao động và người sử dụng lao động, chẳng mấy ai mà “mặc cả” được đến những tình tiết như thế.
Việc quy định tổ chức thanh toán thẻ, tổ chức chuyển mạch thẻ không được thu phí dịch vụ thẻ đối với chủ thẻ, đơn vị chấp nhận thẻ không được thu phí giao dịch POS đối với chủ thẻ nhằm khuyến khích giao dịch không sử dụng tiền mặt. Nhưng, cho đến khi hạ tầng hoàn chỉnh để có thể được hưởng các tiện ích từ thẻ đó, đối với nhiều chủ thẻ ATM, chiếc thẻ đang không khác gì cán bộ phát lương điện tử mà thôi...
Anh Lê Anh Tuấn (Hải Phòng): Đang trả góp cho “ví” ATM Tôi được Cty trả lương vào tài khoản, và đôi lúc tôi cũng thực hiện chi trả việc mua hàng siêu thị bằng thẻ ATM. Nhưng, vài tháng tôi mới vào siêu thị một lần, trong khi hàng ngày phải đi chợ. Ở chợ, tôi phải trả tiền mặt. Vì thế, tôi không có lựa chọn nào khác là phải rút tiền mặt để chi tiêu. Cuối cùng, cái thẻ ATM của tôi cũng chỉ có chức năng là cái ví giữ tiền, và thay vì phải mua mấy trăm nghìn cái ví thật, thì tôi đang trả góp cho cái ví điện tử bằng cách trả phí vài nghìn mỗi lần rút tiền. |
PVKT