Nhưng vấn đề trên đã được đưa ra bàn thảo tại Tọa đàm “Thực trạng, giải pháp và các vấn đề pháp lý cần lưu ý liên quan đến hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (TSBĐ) tại Tòa án và Thi hành án (THA)” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND) TP HCM tổ chức cuối tuần qua.
Đụng đâu cũng khó!
Theo bà Nguyễn Hồ Thu Thủy, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, vướng mắc nhất hiện nay liên quan đến việc khởi kiện và quá trình giải quyết tại tòa án các cấp. Đặc biệt, có một số quan điểm của tòa án khiến các tổ chức tín dụng (TCTD) hoang mang, lo lắng do còn cứng nhắc, chưa phù hợp thực tiễn, như quy định của pháp luật về “bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình”, hay liên quan đến việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với TSBĐ, thì quan điểm giải quyết của tòa án còn cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tiễn…
Thống kê của Tòa Kinh tế, TAND TP HCM cho biết, từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 (NQ 42) có hiệu lực (15/8/2017) đến nay, TAND hai cấp tại TP HCM đã thụ lý 12.333 vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan việc xử lý nợ xấu của các TCTD, đã giải quyết 9.897 vụ việc, còn 2.361 vụ việc chưa giải quyết, tỷ lệ giải quyết đạt 80,25%. Riêng tại TAND TP HCM thụ lý 2.809 vụ, giải quyết là 1.686 vụ, tỷ lệ giải quyết đạt 60%.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Thẩm phán, Chánh Tòa kinh tế - TAND TP HCM, trong những năm gần đây, số vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng ngày càng tăng và thực tiễn xét xử tranh chấp cũng phát sinh nhiều vướng mắc như: việc thụ lý và giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp... Đặc biệt là khó khăn trong việc xác minh hiện trạng tài sản, thu thập chứng cứ…
Về phía cơ quan THA, ông Phan Văn Thụy, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Thi hành án dân sự TP HCM cho biết, kết quả THA liên quan đến TCTD tại TP HCM trong 3 năm gần trên địa bàn TP HCM được giải quyết vẫn ở mức thấp. Năm cao nhất chỉ đạt hơn 24%/năm (2018 và 2020), năm 2019 thì con số này chưa tới 12%. Nguyên nhân là do các quy định về trình tự thủ tục kê biên, bán đấu giá tài sản trong THA rất phức tạp. Ngoài ra còn có sự chồng chéo mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật chuyên ngành. Trong khi đó, số lượng tiền phải THA cho các TCTD là rất lớn, chiếm trên 50% tổng giá trị mà cơ quan THA phải tổ chức thi hành. Do vậy, áp lực đối với cơ quan THADS trong việc giải quyết việc án liên quan đến các TCTD là rất lớn.
Cũng theo ông Thụy, nhiều vụ việc THA đã thụ lý trên 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Vì vậy, số tiền thu hồi cũng đạt rất thấp, có năm chỉ đạt gần 10% (2019). Nguyên nhân là do hầu hết những vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đều phải kê biên, xử lý TSBĐ là bất động sản, nhà đất có giá trị lớn; trình tự, thủ tục xử lý tài sản (nhất là bất động sản) còn khá phức tạp, mất nhiều thời gian; một số trường hợp hiện trạng tài sản thế chấp không phù hợp, có sai lệnh nhiều về diện tích giữa thực tế so với giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng gây khó khăn cho việc xác minh xử lý tài sản…
Cần hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu, nhiều ý kiến kiến nghị, các bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, Tổng cục Thuế, UBND các cấp...) cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đồng bộ việc triển khai NQ 42 để việc thực hiện được thông suốt.
“Dù TAND Tối cao đã ban hành hướng dẫn xét xử nhưng cũng cần có hướng dẫn cụ thể hơn nữa về NQ 42 và các giai đoạn xử lý như: Hướng dẫn xử lý vướng mắc trong quá trình thu giữ tài sản do khách hàng không hợp tác”- ông Phan Tấn Trung, Phó Chánh Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM đề nghị.
Đồng tình với kiến nghị này, từ thực tế xét xử, Phó Chánh án TAND Quận 3, TP HCM Trần Thị Mỹ Ngọc đề nghị cần có biện pháp chế tài đối với người có tài sản thế chấp (hoặc những người liên quan đến người có tài sản thế chấp) nếu họ cố tình không hợp tác, cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Đồng thời, cũng cần quy định cụ thể đối với các TCTD khi nhận tài sản thế chấp phải tiến hành thẩm định, kiểm tra tài sản thế chấp trên thực tế với giấy tờ...
Để đẩy nhanh tiến độ THA, đại diện Cục THADS TP HCM kiến nghị, cần tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa cơ quan THA với các TCTD trong giải quyết hồ sơ THA thông qua thực hiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan THADS với các TCTD. Đồng thời, sửa đổi những quy định của pháp luật liên quan đến việc hoãn THA khi tài sản kê biên có tranh chấp theo hướng những tài sản có hồ sơ pháp lý rõ ràng thì không thực hiện hoãn THA…
“Cần xác định rõ quan điểm và trách nhiệm khi tham gia giải quyết việc THA. Đó là trách nhiệm chung, là sự phối hợp, hỗ trợ để cùng nhau xử lý các khoản nợ xấu của TCTD, giúp cho hoạt động của TCTD ngày càng lành mạnh hơn” - ông Thụy kiến nghị.
2 nhóm vướng mắc chính liên quan đến xử lý nợ xấu của TCTD
Thứ nhất, các vướng mắc, bất cập kiến nghị cần thống nhất nhận thức và áp dụng quy định của pháp luật trong thực tiễn xét xử, gồm: Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình; Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ; Quy định về chủ thể của quan hệ bảo đảm bằng tài sản; việc nhận và xử lý TSBĐ của hộ gia đình; Hợp đồng bảo đảm bằng tiền gửi ngân hàng bị tuyên vô hiệu (một phần hoặc toàn bộ) do chỉ có người gửi tiền ký kết; Thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ của bên thứ ba; Hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án; Trường hợp nhiều TSBĐ cho một khoản vay và ngược lại; việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với TSBĐ; Đình chỉ THA tài sản của bên thứ ba trong quá trình giải quyết phá sản…
Thứ hai, các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính tố tụng, gồm: Hồ sơ khởi kiện; Gửi văn bản tố tụng; thời hạn giải quyết vụ án; Gửi bản án/quyết định cho ngân hàng; Thụ lý và triệu tập ngân hàng tham gia tố tụng; Địa chỉ người bị kiện...
(Tổng hợp của VNBA)