Theo chân chị Nguyễn Thị Đào, Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Hồng Yên, xã Quỳnh Hồng, chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Văn Ái là một trong những người được vay vốn từ Ngân hàng CSXH và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này.
Ông Ái cho biết: “gia đình tôi có 8 nhân khẩu, 3 lao động chính, trước đây hoàn cảnh cũng khó khăn, khi thấy mọi người phát triển kinh tế, từng bước vươn thoát nghèo, gia đình tôi cũng muốn lắm, nhưng không có vốn nên đành chịu. Đến đầu năm 2017, được Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Lưu xét cho vay 50 triệu đồng, tôi dùng số tiền đó mua 2 con trâu về nuôi, xây thêm chuồng trại, trồng cỏ…
Từ hai con ban đầu, trâu sinh sản và đẻ được 3 lứa. Cứ thế, tôi bán lấy tiền để quay vòng vốn, ngoài đàn trâu đang có, bây giờ tôi còn có thêm một đàn ngan, đàn gà hàng chục con”. Tháng vừa rồi, sau khi trả hết nợ cũ, ông Ái tiếp tục được ngân hàng tái đầu tư vốn vay để sản xuất bền vững hơn.
Còn tại xóm 5 xã Sơn Hải, gia đình chị Bùi Thị Thảo cũng khá lên nhờ có thêm nguồn vốn của ngân hàng chính sách, trước đây vợ chồng chị làm đủ nghề nhưng kinh tế gia đình vẫn không khá lên được. Năm 2019, biết tận dụng vị trí địa lý của vùng sông nước, thông qua tổ chức đoàn thể của địa phương, chị đã mạnh dạn vay từ PGD ngân hàng CSXH số vốn 50 triệu đồng đầu tư cải tạo 02 hồ nuôi tôm trên diện tích 05ha, dù có những khó khăn bước đầu, nhưng đến nay gia đình chị đã thành công, lãi ròng từ 80-100 triệu đồng.
Theo chị Thảo chia sẻ, đã làm kinh tế thì vốn bao nhiêu cũng không đủ, dù ít hay nhiều thì nguồn vốn từ ngân hàng CSXH cho hộ cận nghèo như gia đình tôi vay để giải quyết việc làm thật là đáng quý. Nghề nuôi trồng thủy sản quê tôi không những đã làm giàu một cách chính đáng cho bản thân, bên cạnh đó còn giải quyết việc làm cho 03 lao động khác trong xóm với thu nhập khá ổn định.
Tại huyện Quỳnh Lưu, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH tiếp tục được đầu tư đúng đối tượng và có hiệu quả. Đến tháng 10/2020, Phòng giao dịch đã thực hiện tăng trưởng được 157.221 triệu đồng, góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, phục vụ sản xuất và phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Từ đó, người nghèo có vốn làm ăn, có việc làm, từng bước vươn lên thoát nghèo. Các tổ chức hội nhận ủy thác quản lý có hiệu quả nguồn vốn nhận ủy thác; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, xử lý nợ quá hạn, tích cực tham gia sinh hoạt tổ TK&VV để thực hiện tốt công tác bình xét, giải ngân các nguồn vốn quay vòng kịp thời.
Theo Bà Hồ Thị Thoa, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Lưu cho biết: "Các gia đình sau khi được vay vốn đã sử dụng vốn đúng mục đích, phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống và thu nhập. Thông qua các hoạt động ủy thác cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã góp phần giúp cho các hộ nghèo, hộ khó khăn và các đối tượng chính sách trên địa bàn có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống."
Hiện tại, tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng CSXH huyện đạt 583.134 triệu đồng với 18.536 hộ còn dư nợ, đạt 99,9 % kế hoạch năm. Trong đó, số dư nợ hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo 332.344 triệu đồng. Qua kiểm tra, hầu hết các hộ được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, từng bước phát kiển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và trả nợ vốn vay đúng hạn định.”