Bình Dương là 1 trong 6 địa phương của cả nước có chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn chuẩn nghèo quốc gia (gấp 1,7 lần). Thành quả có được đó ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, sự tham gia tích cực của nhân dân, thì không thể không kể đến những đóng góp thiết thực, quan trọng của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã tập trung huy động nguồn lực tài chính và chuyển tải các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, giúp nhân dân trong cuộc chiến chống thiên tai, dịch bệnh, nghèo khó.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Đức là một trong những gương mặt thân thuộc được nhiều người dân tin yêu bởi sự nhiệt thành, dẻo dai, hết lòng trọn vẹn với cuộc hành trình của tín dụng chính sách vì an sinh và công bằng xã hội ở miền Đông Nam bộ đã hồi tưởng về những ngày thành lập (2002) đơn vị gặp bộn bề khó khăn thách thức như vốn liếng ít ỏi, cán bộ điều hành, tác nghiệp vừa thiếu, vừa yếu trình độ.
Khó khăn là vậy, song cơ may cũng đến với những người làm tín dụng chính sách ở Bình Dương là đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc NHCSXH, của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt trẽ của các tổ chức hội, đoàn thể và sự đoàn kết, chung lưng đấu cật của tập thể cán bộ, nhân viên toàn đơn vị quyết tâm đưa vốn về tận thôn, ấp, đến đúng địa chỉ của đối tượng thụ hưởng.
“Những năm qua, chúng tôi bám rất chắc các chủ trương, chính sách, nghị quyết liên quan đến tín dụng chính sách, đồng thời căn cứ vào thực tế của địa phương để khơi thông nguồn vốn phục vụ kịp thời, đắc lực công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững”, giám đốc Võ Văn Đức khẳng định.
Từ thuở ấy đến nay, những người làm tín dụng chính sách ở Bình Dương đã dốc sức lực, tập trung cao độ vào việc tìm kiếm nguồn lực và chuyển tải nguồn vốn tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, nơi sinh sống của nhiều gia đình dân tộc Chăm. Theo ông H La Viêng, người ấp Hòa Lộc, mới ngày nào cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng quê thuần nông nơi đây rất gian nan, thiếu thốn, lại còn tập quán để rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, nhưng từ khi được NHCSXH huyện hỗ trợ, đầu tư vốn ưu đãi đã phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, sửa chữa và xây mới nhiều công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn, nhờ vậy cuộc sống tươi vui, no đủ hơn.
Tiêu biểu có gia đình ông A Ly, dân tộc Chăm được mọi người nhắc đến như một hình mẫu giảm nghèo bền vững. 5, 7 năm về trước nhà ông còn đứng trong tốp nghèo nhất xã Minh Hòa. Tuy có đất ruộng canh tác nhưng thiếu vốn liếng, ông chỉ loay hoay trồng giống cây ngắn ngày nắng suất thấp, cuộc sống quanh năm nhọc nhằn, lấn bấn. Từ năm 2017, được sự động viên của chi hội nông dân ấp, ông A Ly đã mạnh dạn vay vốn của NHCSXH để mua giống cây, con tốt, cải tạo vườn tạp, làm chuồng trại kiên cố nuôi bò sinh sản, heo giống. Hiện cơ ngơi của gia đình ông đã có 6 con bò béo khỏe, 2 ha vườn rau xanh tốt, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương vay vốn chính sách phát triển chăn nuôi bò. |
Còn ở thành phố trẻ Thuận An nằm về phía nam tỉnh Bình Dương, tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh nhờ 636 tỷ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH đã tạo thêm lực, thêm đà đẩy trở thành một trong những địa chỉ dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập kinh tế bình quân đầu người đạt cao, đặc biệt giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo, chấm dứt cảnh tái nghèo. Điển hình là hộ nghèo anh Nguyễn Tấn Lợi ở khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn đã sử dụng vốn vay ưu đãi lập xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng để có nguồn thu, việc làm ổn định.
“Hiện tại gia đình tôi thoát hết nghèo rồi, lại được vay thêm vốn ưu đãi ngay trong phiên giao dịch bù cho thời gian bị ngừng giao dịch do COVID-19 gây ra để khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất. Cảm ơn sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể địa phương và NHCSXH thành phố”, anh Lợi tâm sự.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã phủ kín miền đất đỏ rộng lớn với rất nhiều hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn được tiếp cận tới chính sách tín dụng của Nhà nước. Nguồn vốn ưu đãi đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp Bình Dương thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Qua báo cáo, khảo sát thực tế, hiện toàn tỉnh còn 3.114 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,95% tổng số hộ toàn địa bàn. Cùng với đó, vốn ưu đãi còn khơi dậy ý chí, tinh thần tự lực vươn lên trong các làng quê, trong từng nhà dân.
Có thể khẳng định, đạt được thành tựu to lớn đó trước hết do cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; từ đó trực tiếp chỉ đạo NHCSXH phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tập trung huy động các nguồn lực tài chính, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Song hành sự chỉ đạo sâu sát của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương là sự bền bỉ, sáng tạo và tận tâm trong công tác của những người làm tín dụng chính sách luôn bám sát cơ sở, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể về cách thức giúp dân vay vốn thuận lợi, sử dụng vốn vay sao cho phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Nổi bật trong cuộc hành trình 20 năm của tín dụng ưu đãi ở Bình Dương được thể hiện về tốc độ tăng trưởng dư nợ năm sau cao hơn năm trước, đến nay đạt xấp xỉ 4.300 tỷ đồng, tăng 320 tỷ đồng so với đầu năm 2022 với gần 76 nghìn khách hàng còn dư nợ. Toàn bộ nguồn vốn do huy động, tạo lập được kể cả nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang đạt 1.825 tỷ đồng bởi triển khai mạnh mẽ chỉ thị 40 và kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Đặc biệt gần đây là việc khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trong đó tập trung các chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm…
Công cuộc giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững ở tỉnh Bình Dương đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần quan trọng đối với công cuộc này trong 20 năm qua. Hình ảnh người cán bộ tín dụng chính sách trong trang phục áo hồng hoa sen ngày càng trở lên gần gũi, đẹp đẽ trong con mắt người dân miền đất đỏ Bình Dương.