Ngải đắng

Chiều nào từ căn bếp mối mọt và ám đen bồ hóng nhà ông già Hiển cũng xộc lên mùi ngải đắng. Sau giấc ngủ trưa, bao giờ cũng vậy, ông già mù dò dẫm ra sau hè, nơi lớp đá lên rêu chất dọc vách đất ẩm ướt, cơ man dương xỉ, hoa bướm trắng, ngải đắng.
 
Chiều nào từ căn bếp mối mọt và ám đen bồ hóng nhà ông già Hiển cũng xộc lên mùi ngải đắng. Sau giấc ngủ trưa, bao giờ cũng vậy, ông già mù dò dẫm ra sau hè, nơi lớp đá lên rêu chất dọc vách đất ẩm ướt, cơ man dương xỉ, hoa bướm trắng, ngải đắng.
Mùa đông này lắm mưa, rau ngải lên xanh ngằn ngặt, ông già ngắt một nắm chặt lòng tay, xối gáo dừa rửa qua loa. Mang vào bếp, ông già Hiển lọ mọ tìm thớt xắt mớ rau. Tiếng dao sắc thái ngải non nghe rơn rớt. Sập tối, hôm nào cũng vậy, con bé Lâm cháu ông lão đi học về, quăng cái xe đạp điện bên chái “Để bé Lâm làm! Bé Lâm làm! Hừm! Rau ngải cứu đúc trứng ngon rứa!” “Canh ngải cứu thơm rứa”, “Ông ơi! Ông pha trà ngải chưa? Con uống miếng! Rét quá! Rét quá”. Ông lão lập bập “Từ từ! Uống từng miếng con!”, “Ăn đỡ bát canh đã con!”, “Mang phích đi tắm đã con! Ăn rồi mới tắm coi chừng đau bao tử!”. Buổi tối, lúc con bé Lâm cắm cúi viết, tính bên cái đèn chụp, ông già ngồi bên bếp, lúc tẽ ngô, lúc cạp lại cái rổ, cái rá. Có lần con bé Lâm còn mang trên vai một chiếc khăn len có những bông hoa e ấp y hệt bông mai tứ quý xuýt xoa với đám bạn vẫn chờ cùng đi học ngoài ngõ: “Ông Lâm đan đó! Tài không? Lâm thề Lâm không nói láo”.

Ấy thế mà con bé Lâm lại không phải là cháu ruột của ông già Hiển. Con bé đẹp đẽ, nguyên lành đến thế mà nghe đâu bị người ta vứt ngoài bãi bần. Ngày ấy ông già Hiển chỉ mới lòa, và bà già Hiển thì hãy còn tinh anh, nhanh nhẹn lắm. Hai ông bà đi dẫy khoai ngoài bãi, vứt luôn khoai với cuốc đỡ lấy con bé tím tái đang cố bò trườn trên đất ẩm. Con bé như biết thân biết phận, ham ăn, ham ngủ, ít quấy. Bà già Hiển thương lắm, cưng như trứng mỏng. Bà bắt ông làm bằng được một cái chong chóng đánh trứng, mái mơ đẻ được trứng nào bà đập vào ca nhôm, cho thêm ít đường, đánh bông lên, nựng con bé Lâm ăn từng muỗng nhỏ.
Con bé thiếu sữa mẹ vẫn lớn lên như thổi, hai tuổi đã nói sõi đáo để, không biết nó bắt chước ai kêu “Bà già Hiển, ông già Hiển”. Bị bà già Hiển quát, nó lè lưỡi, nước mắt ngân ngấn. Mười tuổi, bà già Hiển cảm gió chết, ông già Hiển ngồi trắng đêm bên quan tài, nó cũng ngồi trắng đêm bên quan tài, vừa khóc vừa nói “Lâm có tiền Lâm đóng cho ông áo quan sơn son thiếp vàng thật đẹp. Cái áo quan này vừa cũ vừa cong”. Ông già Hiển, bà già Hiển còn có một cậu con trai. Cậu này tên Tuệ hơn con bé Lâm mười tám tuổi, biệt tích mười năm, ngày bà già Hiển mất thì về.
Tóc dài qua vai, mặt đẹp như mặt đứa con gái nhà giàu, đã thế lại hay hút thuốc lá, mẹ mất chẳng khóc thương gì. Con bé Lâm ghét ra mặt, cứ giương mắt nhìn, chẳng chào hỏi gì. Ấy vậy mà chẳng chấp nhặt gì con bé, hôm đưa bà già Hiển ra đồng xa còn cõng con bé Lâm về, không nói không rằng, còn chải tóc cho con bé, nấu cháo trắng, để một gói tiền trên bàn thờ bà già Hiển rồi đi. Ông già Hiển biết nhưng vẫn nằm vắt tay trên phản. Con bé Lâm lẽo đẽo theo ra đến bờ sông. “Về đi”, cậu Tuệ xua. Con bé vẫn trân trân đôi mắt như hai hột nhãn. Cậu Tuệ rút bút chì ra, viết gì đó vào mảnh giấy ôli nhàu nát đưa cho con bé, thơm như cắn lên tai trái hồng hồng của con bé. Rồi đi.

Ông già Hiển trồng được một luống su hào muộn. Chiều nào ông già cũng xách roa nước mò mẫm tưới cho những củ su hào non mượt. “Tết này ông con tôi mang ra chợ, cũng được một món đó. Tết, nhà nào chẳng muối dưa món”, ông già nở nụ cười như trẻ nít khi tâm sự với bà Hào nước đậu qua rào dâm bụt. Nụ cười hiền nở trên môi bà Hào nước đậu. Thực ra ông già Hiển cũng chẳng phải cóp nhặt đến mức như thế. Người ta đồn, mỗi tháng ông già đều nhận được một món tiền lớn của một người giấu mặt gửi cho. Việc học của con bé Lâm tốn kém quá, ông già Hiển phải lụy đến nó. Người ta bảo ông già Hiển còn khối tiền để dành. Vậy mà ông với con bé Lâm vẫn sống rất đạm bạc.
Sáng nào cũng thấy con bé Lâm dậy thật sớm, quét tước sân vườn như lau như ly, sang nhà bà Hào nước đậu lấy mấy bìa đậu trắng và một ca nước đậu rồi xách giỏ ra chợ, lúc về tòn ten mớ tép mớ rau, khá hơn thì miếng thịt ba chỉ mỏng như tờ giấy pơ-luya. Một sáng thứ bảy, con bé Lâm đi chợ về, chiếc áo len thùng thình không giấu đi thân hình thiếu nữ đang nảy nở từng ngày. Cài cổng cẩn thận, con bé Lâm vẫn nóng gáy vì ánh mắt của cái người cao lớn ngồi trên chiếc Vespa đang dõi theo nó từ ngoài chợ về đây. Con bé Lâm biết ở cái lớp 11A của nó có 20 thằng con trai thì tất 20 thằng thích nó. Mặc những nhìn ngắm, hoa hòe, thư từ, cứ vào lớp là nó cắm cúi gương mặt nhỏ vào bài học, chỉ chơi thân với mấy đứa con gái giản dị trong xóm. Nó sợ ông già Hiển buồn. Kỳ nào nó cũng mang giấy khen học sinh giỏi về bắt ông già thưởng. Hai ông con nhà nó dắt nhau ra chợ, ăn hai cốc đậu đỏ nước dừa rồi qua hàng quần áo, khi thì nó chọn cái áo trắng vải thô thêu bông hoa đỏ trên ve áo, lúc thì chọn đôi xăng-đan quai mảnh. Có lần nó chọn chiếc áo con màu hồng phấn…

Con bé Lâm nấu nước pha trà ngải trong gian bếp mối mọt và ám đen bồ hóng, lâu lâu lại ghé mắt qua lỗ thủng trên vách đất, hóng ra cổng. Cái người cao lớn ấy vẫn đứng đó. Người đâu đẹp trai lạ! Đẹp hơn cả cậu Tuệ. Con bé Lâm với tay lấy mảnh gương bát quái trước cửa bếp, ngắm nghía. Mặt nó đẹp như tranh vẽ. Trán phẳng, mắt rất to, ngời ngợi, chóp mũi cao, mịn, vành môi sinh động như cánh hoa của nó hơi tim tím vì lạnh, nó có một cái lúm đồng tiền in sâu trên bầu má phải, chiếc cằm khi cười hơi căng ra, nghịch ngợm. “Lâm ơi! Lâm ơi!”, tiếng ông già Hiển kêu căng lắm.
Con bé Lâm lúc cúc chạy ra cổng. Chiếc xe đã xịch sát bên bờ hóp và chỗ của nó dựng lúc trước, ông già Hiển đang đứng, bàn tay đồi mồi xòe ra mấy trái ổi đào thật hấp dẫn. Cái người ấy nhìn con bé Lâm, hai lúm đồng chinh lấp láy dưới khóe miệng. Con Lâm cũng cúi mặt chúm môi cười. “Vào nhà học bài đi con”, ông già Hiển tinh như thần, kéo tay con bé Lâm. Ngồi học mà con bé như bị ai kéo chân, nó he hé cánh cửa sổ hiếng mắt qua vòm na. Sau, nó bị cuốn vào một bài toán khó, quên đứt mất việc ra hóng xem cái người cao lớn ấy còn đứng đó không. Trưa, ông già Hiển bắt nó ngủ trưa nửa giờ rồi mới đi học, nó không chợp mắt được. Nó cứ mường tượng ra cái đôi mắt một mí ấy, đến hai cái lúm đồng chinh ấy.

Bắt đầu từ chiều 27, con bé Lâm được nghỉ Tết. Chiều, dựng cái xe đạp điện bên vách, nó chun mũi “Mùi gì khét thế!”. Không biết ông nó đi đâu mà để nồi canh trứng ngải cháy khét. Nó chạy ra sau hè. Ông già Hiển đang chống tay vào cạnh ba cây mơ già, thở không ra hơi, dưới chân là từng nắm ngải đắng buộc hờ bởi những sợi lạt mềm. “Ông gắng hái thêm mấy nắm ngải, ngày mai mang ra chợ với rổ su hào luôn một thể”, ông già Hiển cố lầm rầm. Con bé Lâm đỡ ông già Hiển vào nhà. Hồi lâu mới mang rổ ra sắp những nắm ngải mang vào bếp. Buổi tối, ông già Hiển giục con bé Lâm đi ngủ sớm. Nó ôm cái gối cũ, nghĩ vu vơ về cái người ấy. Hôm nay nó với người ta cùng đi dưới hàng tràm ngoài bãi bần, người đó nắm tay nó, cười với nó, còn bảo sẽ đến chơi nhà, nói chuyện muốn quen nó với ông già Hiển. Nó gật đầu rồi lại lúc lắc, chẳng ra làm sao.

Con bé Lâm mở mắt. Bóng tối làm mắt nó càng muốn cụp xuống. Nghĩ thế nào, nó lần tìm đôi dép trên nền đất lạnh. Sát bụi hoa nhài, ông già Hiển với bà Hào nước đậu đang nói chuyện gì đó. “Ra Tết tôi định nhờ người gọi thằng Tuệ về mang con bé Lâm đi”, ông già Hiển ho khục khặc. “Nó đi thì ai lo cho ông lúc trái gió trở trời. Người già như ngọn đèn trước gió. Cả tôi nữa, nhìn thấy nó nhiều lúc nghĩ chuyện cũ lòng đau như xát muối nhưng con bé hình như nó làm tiêu tan hết mọi nỗi đau”, bà Hào nước đậu ngậm ngùi. “Tôi tự lo được. Dù mang tiếng không vẹn tình, tôi cũng cam. Cái tính nết con bé, càng ngày càng giống hệt thằng Tuệ. Tôi già rồi, chắc không quản nổi. Con bé còn nhỏ! Chuyện cũ, bà ạ, cứ để nó mãi là quá khứ. Con ai người đó lo”.

Nước mắt đầm đìa trên gương mặt nhỏ của con bé Lâm. Nó có làm gì hư đốn để bị ông già Hiển chối bỏ như vậy chứ. Dù nó có không là cháu ruột ông già Hiển, kiểu gì ông bà cũng nuôi nó lớn chừng này. Nó biết ông bà vất vả, tằn tiện vì nó, nó cũng cố gắng học, đâu dám đua đòi gì. Con bé Lâm nằm khóc trong chăn suốt đêm, mắt sưng vù. Sáng tỏ mặt người, nó vẫn nằm lì trong chăn. Ông già Hiển kêu dậy, con bé Lâm không nói không rằng, tung chăn ra vục nước ào ào lên mặt.

Bà Hào nước đậu gánh giúp rổ su hào với ngải đắng ra chợ cho ông con nhà con bé Lâm. Con bé Lâm chở ông già Hiển trên cái xe đạp điện màu tím chạy lù rù qua quãng đường đồng. Chợ Tết đông như kiến cỏ, bà Hào nước đậu xí được một góc nhỏ vừa lọt rổ su hào, ngải đắng cho ông con con bé Lâm. Su hào của ông già Hiển vừa to vừa tròn lại vừa độ ngon, ngải đắng thì bó rõ thật, chặt cứng, xanh tươi, đắt khách nhất dãy. Chẳng mấy chốc đã hết veo. “Con đi mua gói nấm tai bèo Tết gói nem!”, con bé Lâm mắt vẫn đỏ hoe, chạm lên tay ông già Hiển. Nó đi như chạy, nhưng chạy lại không nổi qua đám người mỗi lúc một nghìn nghịt tràn vào chợ. Ông già Hiển hồ hởi ngồi lên ghế con, lóng tai đằng này đằng nọ nghe tiếng người cười nói với một vẻ phấn khởi hiếm thấy. “Lát nữa tôi trông hàng cho bà, bà dẫn con bé Lâm vào hàng quần áo mua cho nó cái áo hoa!”, ông quay sang bà Hào nước đậu gửi gắm. “Dào! Con Lâm lớn rồi chứ trẻ nít gì mà mua áo hoa. Mà ông thì trông hàng nỗi gì?”, bà Hào trách mà miệng cười rõ tươi, bà nói thì thầm như sợ ai nghe thấy “Để lát tôi dẫn con bé vào mua cái áo len bó. Con bé mặc mấy cái áo len rộng thùng thình ông đan chẳng ra dáng thiếu nữ gì cả?”.

Nửa tiếng vẫn không thấy con bé Lâm quay lại, ông già Hiển bắt đầu đứng ngồi không yên. “Hay là con bé bị lạc!”, ông lo lắng hỏi bà Hào nước đậu. “Nó đâu phải là ông đâu mà lạc với đỗ. Ngày nào nó chẳng đi mòn cái chợ như lỗ mũi này”, bà Hào vừa nhặt đậu cho khách vừa trả lời ông già Hiển. Nhưng rồi một tiếng trôi qua, ông già Hiển bắt đầu mò mẫm xách cái rổ không lên “Tôi đi tìm con bé! Có khi nó lạc thật bà ạ! Con bé to xác thế mà vẫn còn dại lắm! Có đứa nào nó lừa dắt đi mất thì khốn”. Thế là bà Hào gửi lại hàng đậu phụ cho bạn hàng, tất tả chạy đi tìm con bé Lâm. Chợ đã vãn, ông già Hiển cũng đã níu tay không biết bao nhiêu người hỏi đi hỏi lại cái câu “Có thấy con bé Lâm nhà tôi chạy qua đây không?”. Khi bà Hào nước đậu thở không ra hơi “Có lẽ con bé mang cái xe đi rồi. Không thấy đâu nữa”  và thằng Trí “mắt mèo” học cùng lớp con bé Lâm đạp xe ngược lại thông báo “Con tìm khắp nơi rồi. Cả nhà ông, cả mấy đứa học cùng lớp, chẳng thấy con bé Lâm đâu” thì ông già Hiển cuống thực sự. Ông cứ thế, không cần gậy gộc gì nữa, loạng choạng đi ra cổng chợ, “Lâm ơi! Lâm!”, tiếng ông già Hiển gọi con bé Lâm vừa như quát nạt vừa như nài nỉ.

Đến nửa chiều thì ông già mệt phờ. Người ta gần như xốc ông lên xe máy đưa về nhà. Căn nhà hai gian trống huơ trống hoác, trên thềm đất nện còn vương vãi mấy cọng ngải đắng già chát. Giờ thì người ta mới thấy nhà ông già Hiển nghèo thật. Ông già Hiển vốn được tiếng đẹp lão, giờ mặt mũi bơ phờ, mắt bạc đi. Chỉ còn hai ngày nữa là đến Tết, người ta vẫn rút dép ngồi trên bậc thềm nhà ông già Hiển, lũ thanh niên thì đã tỏa ra đi tìm, đàn ông ngồi hút thuốc lào vặt. Mấy bà phụ nữ thì xuống bếp, nghe đâu tìm được hai quả trứng gà với một nắm ngải đắng, nấu một nồi cháo, bê lên, mùi ngải đắng xộc ngát, chẳng ai động đũa.

Rồi khuya, người ta cũng về hết. Một ngày trôi qua. Con bé Lâm đã mất tích được một ngày. Nửa đêm ngày thứ hai, bỗng người ta nghe tiếng bù lu bù loa. Bà Hào nước đậu góa chồng gần chục năm nay, được tiếng hiền thảo, khuya khoắt rồi mà còn vừa nói vừa khóc váng lên, mà lại là từ nhà ông già Hiển mới lạ chứ.

“Bây giờ ông còn trách cứ tôi cái nỗi gì? Ai bảo ông với ông nhà tôi ngày xưa ngăn trở thằng Tuệ với con Hân. Để đến nông nổi một đứa phẫn chí bỏ đi biệt tích, một đứa sinh con không dám kêu bà đỡ băng huyết mà chết. Ông xót cháu nội ông một thì tôi xót đứa cháu ngoại côi cút mẹ của tôi mười. Giá tôi ba đầu sáu tay mà lôi được nó về đây. Tôi thì nghèo, ông thì lòa nhưng còn kham được con bé, ông còn lấy lý do con ai người đó lo muốn đẩy nó đi với thằng cha bất trị. Trời ơi là trời!”

Thế là người ta thủng hết câu chuyện. 

- Thì con đã đưa con bé về đây rồi! Làm gì mà hai ông bà ầm ĩ thế?

Dưới ánh sáng bóng đèn vàng người ta vừa mắc lên giữa cánh cửa gỗ mối mọt nhà ông già Hiển, ai ai cũng nhìn thấy cậu Tuệ, hồi này cũng đã già đi nhiều, cái mặt đẹp vẫn đẹp dù đã phong sương nhiều. Tay cậu Tuệ dắt con bé Lâm. Tay con Lâm lọt trong tay cậu trai có hai lúm đồng chinh có cái xe Vespa cổ mọc rễ trước ngõ ông già Hiển mấy tháng nay. Con bé Lâm vẫn co ro trong cái áo len rộng thùng thình ông già Hiển đan, môi con bé chúm chím làm lúm đồng tiền lúc ẩn lúc hiện.

Rồi hương trầm ngan ngát lan tỏa. Tiếng lon sữa bò xúc nếp thơm từ trong vại. Tiếng gàu nước va vào thành giếng. Tiếng bước chân ông già Hiển khục khặc xuống bếp rút mớ lạt trúc trau chuốt liền mấy buổi chiều. Mùi ngải đắng thơm lành, nồng ấm dâng lên, dâng lên mãi, mãi, không thôi.

Võ Thị Hà

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.