Moscow và Washington hôm nay cùng lên tiếng khẳng định bản chất dân sự của nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Tehran.
“Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Teran không có mục tiêu nào khác ngoài việc sản xuất điện”, ông Sergey Novikov, phát ngôn viên của tập đoàn Năng lượng hạt nhân quốc gia Nga Rosatom nhấn mạnh.
Moscow và Tehran từng nhiều lần khẳng định nhà máy điện hạt nhân Bushehr không thể “tiếp tay” hay làm bình phong cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Hai đối tác này cam kết việc xây dựng và vận hành nhà máy tuân thủ mọi nguyên tắc của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Nhằm xóa tan ngờ vực của Mỹ và phương Tây, Nga ký với Iran hợp đồng xử lý chất thải hạt nhân của nhà máy Bushehr. Theo đó, tất cả các thanh nhiên liệu của nhà máy này sau khi dùng xong sẽ được đưa về Nga.
Moscow và Washington cùng khẳng định bản chất dân sự của nhà máy Bushehr. |
Sự “thiện chí” của Nga ngay sau đó được phía Mỹ đáp lễ. Trong một động thái được đánh giá là đầy bất ngờ trong lập trường của Mỹ đối với chương trình hạt nhân của Iran, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố không phản đối kế hoạch vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran. Theo đó, Washington ghi nhận nhà máy điện hạt nhân Bushehr được dùng để cung cấp điện hạt nhân dân sự. Vì vậy không coi đây là một mối đe dọa phổ biến hạt nhân.
Từ trước tới nay chính quyền Mỹ luôn cho rằng các nhà máy điện hạt nhân chỉ là chiếc vỏ bọc để che giấu chương trình phát triển hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Washington cho rằng, một quốc gia thừa thãi nguồn dầu khí như Iran không có lý gì phải dùng nguyên liệu hạt nhân làm nhiên liệu để chạy các nhà máy phát điện.
Buổi lễ khai trương nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran sẽ tiến hành vào ngày 21/8 tới với sự tham dự của đoàn đại biểu của Nga do Phó Giám đốc Rosatom, ông Sergey Kiriyenko dẫn đầu. Theo nguồn tin, công việc tiếp nhiên liệu cho lò phản ứng sẽ mất 7 – 8 ngày. Do đó, nhà máy sẽ chính thức đi vào vận hành vào giữa tháng 9.
Quá trình xây dựng nhà máy điện Bushehr được bắt đầu từ năm 1975 do các công ty của Đức đảm nhiệm. Tuy nhiên, các công ty này phải bỏ dở công việc do lệnh cấm vận của Mỹ về việc chuyển giao công nghệ cao cho Iran sau cuộc cách mạng hồi giáo năm 1979. |
Theo Trà My
Đất Việt