Chiến dịch không kích của Nga khiến tổ chức khủng bố IS, các nhóm phiến quân mất thế chủ động trên chiến trường và buộc phải chuyển sang chiến thuật phòng ngự. Hệ thống điều hành các tổ chức khủng bố hoàn toàn bị phá vỡ.
Theo cơ quan tình báo Bộ Tổng tham mưu Nga, một số bộ phận của tổ chức khủng bố Mặt trận Nursa, chi nhánh của al-Qaeda ở Syria đang đổi tên gọi để trở thành lực lượng “đối lập ôn hòa” hòng tránh bị tiêu diệt và có được sự giúp đỡ, che chở từ phương Tây. Theo các chuyên gia, 35% lính đánh thuê nước ngoài đã bị giết, bị thương hoặc bỏ trốn khỏi Syria.
Theo các nguồn tin chính thức và đáng tin cậy, có thể kết luận rằng, ít nhất 5.000 chiến binh đã bị tiêu diệt, bao gồm thủ lĩnh các nhóm phiến quân Ahrar el-Sham, al-Qaeda và IS. Ít nhất 10.000 lính đánh thuê tháo chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Jordan. Quân đội Syria đã giành lại nhiều vùng lãnh thổ mà không cần chờ tăng viện.
Một số chuyên gia phương Tây cho rằng, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria ban đầu được coi là canh bạc mạo hiểm của Mátxcơva chống các nhóm thánh chiến, sau đó tự chuyển hóa thành một màn phô trương sức mạnh lật đổ sự cân bằng chiến lược trên thế giới.
Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria không chỉ thay đổi hiện trạng chiến tranh, reo rắc sự kinh hãi trong hàng ngũ các nhóm phiến quân Syria mà còn cho thế giới thấy năng lực của quân đội Nga trong tình huống thực chiến sau quá trình cải tổ, hiện đại hóa dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nga đã thể hiện khả năng vận động lực lượng thần tốc, tác chiến điện tử trong môi trường chiến tranh hiện đại.
Theo các chuyên gia, đòn đánh tên lửa hành trình tầm xa của Nga còn cho thấy sự lãng phí của những khoản tiền khổng lồ được chi cho “lá chắn tên lửa” được Lầu Năm Góc thiết lập xung quanh nước Nga.
Trong khi đó, hội nghị đa phương Vienna về Syria với sự tham dự của tất cả các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Iran, Ảrập Xêút và các quốc gia khác trong khu vực đã kết thúc mà không đạt được kết quả cụ thể nào, chủ yếu vì có quá nhiều quan điểm mâu thuẫn, đặc biệt là về vai trò của Tổng thống Syria.
Theo AP, các bên tham gia đàm phán đã xem xét kế hoạch ngừng bắn ở Syria trong vòng từ 4 đến 6 tháng, tổ chức chính phủ lâm thời trong giai đoạn chuyển tiếp có sự tham gia của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các lực lượng đối lập. Đại sứ Mỹ ở Nga, ông John Tefft, cho biết, trên lý thuyết, Washington có cùng quan điểm với Mátxcơva về việc giữ nguyên chủ quyền quốc gia của Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã buộc phải thay đổi lời hứa trước cuộc bầu cử, quyết định đưa đặc nhiệm tới Syria. Reuters dẫn nguồn từ Văn phòng Tổng thống Mỹ và từ Thượng viện Mỹ cho biết, lực lượng đặc nhiệm Mỹ sẽ huấn luyện các tổ chức đối lập “ôn hòa” đang chiến đấu chống lại chính quyền Syria hiện nay. Số lượng quân Mỹ dự kiến không vượt quá 50 người.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang công du 5 nước Trung Á cho biết, đưa đặc nhiệm đến Syria không có nghĩa Mỹ can thiệp quân sự vào nước này hay chống ông Assad.