Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa mới tiết lộ số lượng chính xác đầu đạn hạt nhân mà Mỹ triển khai trên toàn thế giới. Trong suốt 10 năm, đây là bí mật được Mỹ bảo vệ rất cẩn thận. Các chuyên gia về vấn đề an ninh Nga cho rằng, họ rất “ấn tượng” với sự công khai thông tin bảo mật do TT Obama đưa ra và họ đang cố gắng "mổ xẻ" xem liệu Nga sẽ phải phản ứng thế nào cho tương xứng với sự minh bạch về vũ khí hạt nhân của Mỹ?
Ảnh minh họa |
Các chuyên gia an ninh Nga cho rằng, không quá khó tìm kiếm câu trả lời từ phía Nga. Vì Mosow phụ thuộc nhiều hơn vào kho vũ khí hạt nhân của mình trong khuôn khổ đảm bảo an ninh quốc gia Nga cũng như ảnh hưởng trong khu vực so với Mỹ nên không nên quá chờ đợi những tuyên bố “ấn tượng” từ phía Nga.
“Đây quả thực là một chiến thắng lớn đối với Obama cũng như là tín hiệu có sức mạnh từ các cuộc hội đàm của ông về một thế giới phi hạt nhân – đây không đơn giản là giọng điệu trống rỗng. Nhưng Nga sẽ không thể có hành động giống như Mỹ vì trong học thuyết an ninh của chúng ta vũ khí hạt nhân trong lĩnh vực quốc phòng có vai trò khác so với vai trò hạt nhân trong học thuyết hạt nhân của Mỹ”, ông Alexander Konovalov, Chủ tịch Viện đánh giá chiến lược độc lập Moscow nói.
FAS kêu gọi Nga đưa ra phản ứng
Trước phiên khai mạc hội nghị về vệc xem xét thực thi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) tại New York, chính quyền Obama tuyên bố rằng tính vào thời điểm tháng 9/2009, Lầu Năm Góc có 5.113 đầu đạn hạt nhân. Con số trên bao gồm lượng đầu đạn đã triển khai, đang ở trong kho và số đầu đạn bất hoạt, nhưng không tính đến "hàng nghìn" đầu đạn đã qua thời gian sử dụng và đang chờ hủy.
Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS) – cơ quan trong vòng 30 năm trở lại đây đưa ra những đánh giá tốt nhất về các kho vũ khí hạt nhân trên thế giới dựa trên những thông tin từ các nguồn công khai – đã rất tự hào tuyên bố hôm thứ Ba (04/5) rằng, con số chính thức do Lầu Năm Góc đưa ra chỉ chênh lệch 13 đơn vị hạt nhân so với những con số đánh giá mới đây nhất của tổ chức này.
“Việc công khai chính chức về số lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ tạo áp lực lên những cường quốc hạt nhân khác và buộc những nước này phải có những hành động đáp trả. Nga, quốc gia có kho vũ khí hạt nhân khó theo dõi và tính toán, cần phải có phản ứng tương tự, có nghĩa là công khai thông tin về số lượng và tình hình kho vũ khí hạt nhân của mình”, FAS cho hay.
Theo đánh giá của tổ chức này, hiện nay, Nga có khoảng 2.600 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 2.050 đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Những thông tin chính xác về số lượng vũ khí hạt nhân bao gồm cả vũ khí xuyên lục địa, vũ khí triển khai trên tàu ngầm và máy bay ném bom – Nga cần phải “báo cáo” với Mỹ trong quá trình hội đàm về Thỏa thuận cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược vừa kí hồi đầu tháng trước.
Trong học thuyết quân sự mới của Nga, việc sử dụng vũ khí hạt nhân cũng được giảm dần.
Các chuyên gia phân tích Nga cho rằng, số vũ khí hạt nhân chiến thuật nằm trong kho tại Moscow không dễ dàng trong việc tính toán cũng như công khai. Mỹ đang cố gắng xây dựng một thế giới phi hạt nhân vì họ cho rằng đối với Lực lượng Vũ trang Mỹ không tồn tại những nhiệm vụ mà họ không thể giải quyết được bằng vũ khí thông thường.
Nga thì ngược lại. Hiện nay, Nga phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí hạt nhân của mình trong việc đảm bảo an ninh vì lực lượng phi hạt nhân của Nga đang nằm trong tình trạng “thê thảm nhất” trong vài chục năm qua.
“Chẳng có khả năng nào dù là nhỏ nhất để Nga công khai về số lượng vũ khí hạt nhân triển khai của mình hiện nay”, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga – hiện đang làm trợ lý dân sự trong Bộ Quốc phòng Nga Vitaly Shlykov - nói.
Tranh luận về phả ứng thích hợp của Nga
Gennady Chufrin, chuyên gia về kiểm soát vũ khí làm việc tại Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế quốc gia, nói rằng toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Nga đều đặt trên lãnh thổ Nga trong khi đó vũ khí chiến thuật của Mỹ đến nay vẫn còn triển khai tại châu Âu, Hàn Quốc và những nơi khác trên thế giới.
“Nga rất quan tâm đến việc kí thỏa thuận về vũ khí hạt nhân chiến thuật triển khai – vậy Nga công bố những con số này quá sớm để làm gì?”, chuyên gia này hỏi lại.
Tuy nhiên, những chuyên gia khác khẳng định, lãnh đạo Nga sẽ rất khó giữ bí mật trong lối ứng xử kiểu “chiến tranh lạnh” sau khi Obama công khai hoàn toàn con số về tiềm năng hạt nhân của nước này.
“Nếu chúng tôi không trả lời thì điều này sẽ ảnh hưởng đến tiếng tăm của Nga”, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao của Bộ Ngoại giao Nga Yevgeny Bazhanov tuyên bố.
“Nếu Obama đã đủ sức để vượt qua sức cản thiết lập quân đội của mình và hành động kiên quyết như vậy thì lãnh đạo của chúng ta không thể hành động khác được. Đối với họ, đó là vấn đề danh dự”, ông nói.
Theo Mekongnet