Nếu Hà Nội không còn hàng rong…

 Đường phố phong quang và giao thông thuận tiện là điều có thể khi không còn hàng rong nhưng cũng đồng nghĩa với việc Hà Nội sẽ mất đi một số thứ vốn thuộc về nó. 

Đường phố phong quang và giao thông thuận tiện là điều có thể khi không còn hàng rong nhưng cũng đồng nghĩa với việc Hà Nội sẽ mất đi một số thứ vốn thuộc về nó. 

Một thú vui mua bán bị đánh cắp

Nếu nói điều gì gắn bó với hết thảy mọi người dân Hà thành như một phần không thể tách rời thì ấy chính là hàng rong. Hàng rong theo thúng người đội ấy là món quà sáng khô “Mỳ nóng nào”, “Xôi lạc, xôi dừa, bánh khúc đây”, “Ai bánh giò nóng nào”….; là món ăn sáng nước: Miến, mì, bún, cháo …. ấm nồng bên bếp dầu ở một đầu quang gánh; là bữa ăn chính với mẹt rươi đầu mùa, với thùng đậu phụ sóng sánh nước…; là chút quà vặt ấm lòng kẻ đói giữa hôm bằng bát tào phớ mát lạnh giữa trưa hè, bằng những hạt cốm xanh non mỗi độ thu về, bằng những trái bưởi đào, chuối trứng cuốc, hồng mọng đỏ ... ; là những vật dụng thiết yếu như quần áo, giày dép, mũ, khăn...nhưng cũng là những món ăn tinh thần đầy bổ ích với báo, với băng, đĩa hay những đóa hoa tươi thắm…

Gánh hàng rong. Ảnh minh họa
Gánh hàng rong. Ảnh minh họa
Có thể nói với mọi nhu cầu của các vị khách thiếu thời gian trong khung cảnh chẳng thừa rộng rãi ấy thì hàng rong xem ra đáp ứng khá hữu hiệu và cứ thế từ sáng tới đêm khuya, từ ngày này qua tháng khác, từ năm này sang năm khác, hàng rong ăn sâu bám rễ vào thói quen sinh hoạt thường ngày của người dân chốn này.

Hàng rong có thể làm ấm bụng chị lao công với tô cháo bán rong khi hết ca đêm; làm hài lòng cô bán lụa trên phố  Hàng Gai bằng những xe hoa đầu sớm mai khi cửa hàng vừa sửa soạn đón khách; mang lại nụ cười cho bác hàng in vì mải tiếp khách nên quên khuấy chuyện cắt tỉa móng chân cho mình; cho đến cái hể hả của mấy anh công chức cổ cồn, cà vạt chào nhau buổi sáng bên dăm chén nước chè xanh đầu ngày làm việc hay mấy chị diện váy ngắn văn phòng mà vẫn không thể quên cái chấm mút vị chua cay của bát nước chấm ốc bên góc vỉa hè. Dù họ là ai hàng rong đều giữ một vị trí quan trọng trong cuộc sống thường ngày của họ.

Họ sà vào hàng rong đôi khi vì những thứ họ cần xong cũng có nhiều khi như chỉ để gieo vào lòng mình những khoảnh khắc của sự yên bình, của xao động, của hồi tưởng, của thanh thản. Vậy nên chẳng có gì lạ khi nhiều khách mua vì mải hỏi chuyện người bán mà quên chọn hàng, mặc cả hết lời rồi không lấy lại tiền thừa vì “trông tội quá”. Chẳng muốn mua đâu nhưng vì thấy cứ mời mãi, chẳng thích ăn nhưng vẫn nâng lên đặt xuống. Hình ảnh những người mua vây quanh gánh bán rong bàn luận rôm rả, cười hể hả những điều mà chẳng có gì liên quan cho thấy rằng hình như đây không chỉ là một cuộc mua và bán.

Đôi khi những thứ hàng rong ấy có đầy trong các quán nhưng người ta vẫn thích được lê la bên các vỉa hè. Vậy nên mới có chuyện “chờ con bé bán rong ấy đi qua để hỏi xem nó sao rồi”, “cái mớ thừa này cho chị bán rong nọ”… Đôi khi giữa họ vượt qua mối quan hệ chỉ đơn giản là người mua và kẻ bán. Nếu không còn hàng rong chắc người ta cũng chẳng nghĩ đến chuyện thèm ngô nướng lúc đêm hôm, tuổi ô mai chắc cũng chẳng nhớ vị cay me dầm, xoài trộn, chẳng tìm được không khí ấm cúng khi vây quanh gánh bún rong ở trong các quán ăn, các nhà hàng sang trọng hay giữa chốn chợ đông đúc, ồn ào. Hàng rong nhiều khi mang đến cho người ta một cảm giác không dễ thấy.   

Nhu cầu bình dân bị xóa bỏ

Xoá sổ hàng rong đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn hộ kinh doanh vỉa hè và hàng triệu người bán hàng rong bị thất nghiệp. Đấy là những người mà chỉ với một chiếc thúng, một đôi quang gánh, hay sang hơn là một chiếc xe đạp cà tàng, để lại sau lưng một căn nhà cùng những đứa con ỉ eo khóc sau cánh cửa để lên thành phố tìm kế sinh nhai.

Với thu nhập bèo bọt, chừng một hai chục nghìn cho cả ngày trời rong ruổi không biết bao nhiêu km phố, nhưng những người dân nghèo này vẫn cương quyết bám lấy nghề này vì những nhu cầu thiết yếu của gia đình như nuôi con, học phí, tiền chữa bệnh, hay là ước mơ đổi đời cho con ở cánh cửa đại học…. Họ gắn bó với nghề vì đó là cách kiếm sống duy nhất của mình.

Nếu Hà Nội không còn hàng rong… ảnh 2
 
Và như một hệ quả tất yếu khi cần câu cơm của những người bán này bị chặt đứt thì đương nhiên đối tượng khách hàng chính của họ, là những người bình dân, cũng bị vạ lây. Thử hỏi một bác bán rau sao dám bỏ hơn chục nghìn để ăn một bát phở trong hàng, lương một chị lao công được mấy cốc nước mát trong hàng giải khát?
Với những người nghỉ hưu như ông bà Thìn (Hồng Hà, Hoàn Kiếm) thì hàng rong là hợp nhất với họ: “Chỉ  5.000đ là chúng tôi đã có bát cháo vừa bụng, làm gì có cửa hàng cửa hiệu nào bán món cháo sườn mà bước chân vào lại chỉ phải trả cái giá “dăm xu ba hào” như vậy.”

Còn với những công nhân như chị Hậu (Vĩnh Tuy, Hoàng Mai) thì dù đang đi làm thực song với mức lương tháng chỉ trên dưới triệu đồng thì căn ke như thế này cũng là điều dễ hiểu: “mức giá tối thiểu cho mỗi bông hoa ở “shop” cũng phải 1.000 – 15000 đồng trong khi bằng số tiền ấy nếu hàng rong thì hoàn toàn có thể mua đủ hoa để cắm cho ba ban thờ nhà tôi vào ngày rằm mùng một rồi.

”Ấy là còn chưa kể đến trăm ngàn lý do mà những người nghèo từ chối vào hàng", chị Nguyệt, bán hàng quần áo ở phố Hàng Đào than. “Bọn em trông cửa hàng cả ngày chẳng có thời gian đến chợ hay vào hàng mua sắm nên chủ yếu là chờ vào những gánh hàng rong qua đây. Không có hàng rong thì chợ búa khác gì....đánh đố”.

Còn bà Lan ở phố Hàng Da thì phân trần “Mình chẳng có nhu cầu mua những đồ đắt tiền nên cứ hàng rong là tốt nhất. Chọn hàng thoải mái lại mặc cả dễ không sợ bị vía này vía nọ.” Khi phải thuê cửa hàng hoặc có đất để mở quán, giá cả ở những nơi này phải cao hơn người bán rong là điều dễ hiểu nhưng với người có thu nhập thấp thì điều này chẳng dễ dàng chút nào. 

Và những nỗi nhớ thôi không nguôi ngoai

Vào những ngày công bố dự thảo xóa bỏ hàng rong, vào các blog của người xa xứ có thể thấy tràn ngập những nỗi nhớ hàng rong. Có người đã bồi hồi nhớ lại cảm xúc bất chợt của mình khi đứng trên đất khách: Nhìn những chiếc xe bốn bánh chở bánh mỳ hotdog hay trái cây ở Washington, những chiếc xe đẩy ba gác bán ngô luộc ở Islamabad hay những chiếc khay gỗ đựng trứng dạo bán ở hè phố Melbourne lại cồn cào nhớ những người bán rong ở Hà Nội với chiếc đòn gánh uyển chuyển và thơ mộng.

Có người đang đêm ở xứ khách chợt rớt nước mắt khi nhớ đến những tiếng rao đêm của Hà Nội. Có người vui mừng tìm thấy chút Hà Nội xưa giữa phố phường hiện đại: “Có những khoảnh khắc vẫn còn rất Hà Nội... với thức quà sáng là một hớp nước chè xanh của những bác công chức... cái kiểu của "công chức Hà Nội" ấy cũng lạ lắm... vẫn tie, vẫn shirt nghiêm chỉnh... nhưng lại sà xuống cái hàng nước bán đủ thứ linh tinh ấy... một cái bàn gỗ... vài cái ghế đẩu xiêu vẹo... nhìn nó nhếch nhác nhưng gần gũi... cái gánh hàng rong bán vài quả ổi... vài cân sấu... và một hai quả mít ấy... cũng vẫn tồn tại... chả hiểu vì miếng cơm manh áo... vì cái nghề ấy đã trở thành thói quen... hay những kẻ quẩy gánh đội thúng ấy chỉ muốn giữ lại những gì mang chất "Hà Nội"...”

Gánh hàng rong bên những mái ngói liêu xiêu thâm màu thời gian là hình ảnh của một Hà Nội trong thơ ca, trong các bức họa và đến bây giờ nó vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp bình dị mà lãng mạn của nó. Đông về ấm nồng trên đôi quang gánh ấy là những tấm bánh khúc thơm lành, những củ sắn củ khoai nóng hôi hổi. Xuân đến với những cánh hoa đào, hoa hồng, hoa ly còn ướt sương đêm. Thu qua dịu êm trong sắc vàng của những đoá cúc, ngan ngát hương thơm của cốm Vòng, hồng mọng, chuối trứng cuốc. Hạ tới bằng gánh “tào phớ” mát lạnh, sen dịu dàng toả hương cả góc phố…Cứ thế Hà Nội tồn tại từ lâu lắm rồi và cứ thế Hà Nội vấn vương lữ khách  bằng chút hương quê giữa lòng thành phố.

Bằng chút tình giản dị mà đôi khi chỉ là nụ cười thoảng mờ dưới vành nón trắng của một chị hàng rong, nụ cười đầy nỗi nhọc nhằn mà lan toả cảm giác an lành. Ấy vậy nên chẳng lấy gì làm lạ khi cả đoàn khách du lịch nước ngoài thích thú vây quanh một gánh mã thầy trên phố hàng Bạc, trả 4, 5 đô chỉ để được chụp một kiểu ảnh với gánh chuối hoặc dứa của mấy cô bé chuyên phục vụ khách Tây trên mạn bờ hồ, xoay trước xoay sau để chụp cho được cảnh cô gái gánh hoa băng giữa một đường dày đặc xe cộ, và say sưa thử dăm ba món ăn lặt vặt trên hè phố. Khách du lịch nước ngoài đến Hà Nội bao giờ cũng tìm đến mấy dãy phố cổ và yêu mến vẻ đẹp bình dị, thôn dã của chốn đô thành này nhưng cùng với sự hiện đại dần của phố phường Hà Nội, nếu không còn những gánh hàng rong Hà Nội sẽ khiến người ta nhớ đến bằng gì nhỉ?

PLCN

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.