Từ lâu, ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn là nơi giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng. Đối với người vùng cao, mỗi dịp chợ phiên là một kỳ hội. Trong tiềm thức của họ, chợ phiên được xem như ngày tết sau cả tháng cật lực làm việc trên nương, trên rẫy. Ngày chợ họp, dù cách nhau nhiều “con dao quăng”, cách nhau nhiều trái núi, họ cũng cố công tìm về.
Những ngày họp chợ phiên, khi mặt trời chưa kịp ló rạng, cái rét vẫn ngâm ngẩm tê cóng đôi bàn tay thì trên khắp nẻo đường đâu cũng thấy rộn rã, ầm ì tiếng xe máy leo đèo vượt dốc. Người vùng cao sống ở Cao Bằng thường đổ dồn về chợ phiên gồm đủ mọi thành phần dân tộc từ người Kinh, Tày, Nùng cho đến những thiếu nữ người Dao. Người bán, kẻ mua, chợ phiên tấp nập từ khi đồng hồ điểm chưa đầy 7h sáng.
Các sản phẩm hàng hóa trong chợ đa phần là thành quả lao động do người dân vùng cao chắt chiu, làm lụng mới có được từ cây mía, củ khoai cho đến đơn giản như một bó rau rừng, gánh củi cũng được góp mặt trong chợ.
Nhưng người ta đi chợ phiên không phải chăm chăm kiếm tiền, không lo âu gánh nặng mưu sinh. Với họ, đi chợ phiên chỉ đơn giản là muốn đến và đến để góp vui, để nhìn thấy nhiều người. Rất dễ nhận ra ở nơi đây có những chỗ ồn ào tập trung đông người, những nơi đó được gọi là góc “xách lợn”. Những chú lợn trong khu này không được nhốt vào những chiếc lồng sắt như dưới xuôi, trái lại chúng được nhốt vào một chiếc rọ tre nhỏ. Cứ hai chú ỉn lại được sắp thành một cặp, nhốt vào hai chiếc lồng xinh xắn.
Người cần mua chỉ đi qua một lượt, ngắm nghía, nếu thấy ưng bụng thì trả tiền xách về, không kì kèo mặc cả. Người vùng cao thật thà bán sao nói vậy, không nói thách, không “hét” giá. Người cần thích thì mua, không ưng thì không nài ép.
Một góc chợ xách lợn |
Buôn bán trâu bò ở chợ phiên Trà Lĩnh |
Sắc màu của những chợ phiên ngày nay ít nhiều có sự pha trộn của nhịp sống hiện đại, thế nhưng nét hồn hậu, chất phác của con người vùng cao vẫn hiển hiện giữa những phiên chợ rộn ràng. Vào dịp tết, chợ phiên sẽ càng đông vui hơn bởi những vị khách “lãng du” từ dưới xuôi tìm đến chợ như thưởng thức một thứ “đặc sản” không tìm thấy được ở nơi phố thị.
Dạo chơi ở chợ phiên, cảm nhận được cái đẹp ẩn chứa trong đó, không phô trương, không cầu kỳ mà thay vào đó là sự mộc mạc. Sản phẩm của các địa phương được bày bán ở chợ là sự kết tinh vốn tinh hoa trong lao động, sự cần cù của người dân vùng cao. Người đến chợ cũng mang nhiều mục đích khác nhau: Để mua bán, gặp nhau trao đổi tâm tình, hay các chàng trai, cô gái hẹn nhau ngày chợ... Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp riêng biệt của phiên chợ vùng cao.
Các cô gái đi chợ sẽ chọn cho mình bộ trang phục dân tộc truyền thống rực rỡ sắc màu, trên gương mặt luôn nở nụ cười duyên trước những điệu múa khèn điêu luyện đầy quyến rũ của những chàng trai dân tộc Mông..., cũng chính từ những phiên chợ đã có nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng. Họ đã say nhau từ điệu múa, giọng hát, tiếng khèn để rồi họ hẹn nhau những phiên chợ sau. Cứ thế, phiên chợ đã trở thành nỗi nhớ khắc khoải đợi chờ đối với những người đến chợ.
Chợ vùng cao, ngoài việc giao lưu thương mại còn là nơi để các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Giờ đây cuộc sống của người dân ngày càng phát triển, chợ phiên cũng có nhiều đổi thay, nhưng những nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa của các dân tộc vẫn là các nét rất riêng của những phiên chợ vùng cao được đồng bào lưu giữ.