Nhân vật trung tâm của phiên tòa này là Trương Hồ Phương Nga. Trước khi phiên tòa này diễn ra thì dư luận đã đặt cô ngồi vào ghế bị hại với không ít thương cảm cho số phận “hồng nhan bạc mệnh”, nạn nhân của “trò chơi tiền – quyền”. Thế nhưng, diễn biến của phiên tòa đã mang lại cho cô một diện mạo khác, cứng cỏi và khôn ngoan. Cô biết sử dụng đúng lúc quyền im lặng của mình cũng như quyền được nói. Sự đối đáp của cô với luật sư hoặc trả lời Hội đồng xét xử bao giờ cũng mạch lạc, rõ ràng.
Cô còn biết “chỉnh” luật sư khi ông ta dẫn dắt vấn đề chệch ra khỏi nội dung vụ án. Mọi người không nhìn cô ta bằng cặp mắt thương hại nữa mà còn vị nể, thích thú. Rõ ràng, ở phía bên kia, người tố cáo cô và đang là bị hại của vụ án này, nhấp nhổm còn hơn ngồi ghế nóng bị cáo, lúng túng hơn đứng trước vành móng ngựa, thể hiện một vị trí thấp kém hơn nhiều người phụ nữ đang bị xem xét về tội lừa đảo kia.
Cũng vì coi trọng văn hóa tranh tụng, quan tòa không dùng thủ đoạn “cả vú lấp miệng em” mà “cái kim trong bọc đã lòi ra”. Những thủ đoạn dụ cung, ép cung, thông cung phơi bày lồ lộ không thể giấu giếm và biện minh gì được nữa. Những chứng cứ thuyết phục được trưng ra, từ các bản cung “sinh đôi” giống nhau từ cái dấu phẩy đến bức thư viết trên bao ni-lon, từ cái cách thức người ta bày ra để khép tội đến sự giúp đỡ “có tiền cà phê” của người coi trại.
Sự tranh tụng làm rõ vấn đề được coi trọng khi Tòa ra “trát” đòi nhân chứng giấu mặt buộc phải đến đối chứng, cho dù ngồi ở phòng cách ly, tiền lệ chưa từng có. Chứng cứ được coi trọng, thể hiện ở chỗ niêm phong trước tất cả mọi người và được lưu trữ cẩn thận. Chưa nói đến sự phán xử cuối cùng, chỉ nguyên những động thái đó cũng thể hiện một sự công minh, cần thiết đối với bất kỳ phiên tòa nào.
Sự tranh tụng công khai, minh bạch đã giải tỏa sự ngột ngạt, ức chế và lo sợ thường có ở các phiên tòa hình sự. Nhân chứng hoặc bị cáo đều tỏ rõ chính kiến của mình, dám nói ra những điều mà trước đó không dám nói, dám trưng ra những chứng cứ mà trước đó họ giấu kín vì “không tin ai cả”. Đó chính là kết quả thấy rõ từ một phiên tòa xét xử công khai rằng những vấn đề của cải cách tư pháp đang thực sự đi vào cuộc sống, vào đời sống pháp luật và thể hiện ở chốn pháp đình, tòa án – nơi được coi là trung tâm, điểm đột phá đầu tiên trong tiến trình cải cách tư pháp.
Phiên tòa này chưa thể khép lại bởi những tình tiết mới phát hiện trong quá trình xét xử. Những người được coi là nhân chứng nhưng thực sự họ cũng là những người tham gia vào vụ án này. Cơ quan điều tra đã bỏ qua họ nhưng sự tranh tụng tại phiên tòa đã khiến họ lộ diện. Một lần nữa ghi nhận kết quả tranh tụng mà phiên tòa này mang lại, thể hiện một nét văn hóa rất cần nhân rộng: Văn hóa pháp đình!