Hiện tại, Bộ Tài chính chỉ “bán buôn” TPCP cho các định chế tài chính, chứ không “bán lẻ” cho tổ chức, cá nhân thông qua hệ thống kho bạc như trước đây.
Thực hiện Nghị quyết 52/2010/QH12, ngay trong tháng 1/2011, Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phương án huy động, phân bổ vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) chi tiết năm 2011.
Theo Nghị quyết 52/2010/QH12, năm 2011, Bộ Tài chính sẽ huy động 45.000 tỷ đồng TPCP để đầu tư cho các công trình, dự án đã được Quốc hội phê chuẩn.
Mặc dù nguồn vốn TPCP huy động năm nay giảm mạnh so với năm 2010, nhưng trước diễn biến phức tạp của thị trường tiền tệ, lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức quá cao, chỉ số giá tiêu dùng được dự báo là diễn biến bất thường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho rằng, cần xem xét lại phương án huy động vốn, thậm chí là giãn tiến độ huy động, thay vì huy động bằng mọi giá.
“Một trong những nguyên nhân đẩy lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng mạnh trong suốt nửa cuối năm 2010 là do ngân sách tranh huy động vốn với các tổ chức tín dụng. Nếu năm 2011 vẫn tái diễn tình trạng đó, thì sẽ khó có thể kiềm chế được lạm phát dưới 7% như mục tiêu đã đặt ra, do làm tăng chi phí đầu vào của nền kinh tế”, ông Phúc cho biết và kiến nghị, để thực hiện mục tiêu ưu tiên số 1 của năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, cần phải tính đến phương án giãn thời gian huy động vốn TPCP, đồng thời với việc chủ động giảm nguồn vốn huy động bằng giải pháp tạm dừng các công trình, dự án chưa khởi công.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, để hạn chế và tiến tới xoá bỏ tình trạng “vàng hoá” trong nền kinh tế, cuối tháng 10/2010, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 22/2010/TT-NHNN về việc thu hẹp hoạt động huy động và cho vay vàng. Nhằm hạn chế những rủi ro từ hoạt động này, năm 2011, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thắt chặt hoạt động cho vay vàng.
Như vậy, nếu năm 2011, Ngân hàng Nhà nước mạnh tay với hoạt động huy động vàng thì các ngân hàng thương mại chỉ trông chờ vào việc huy động VND và ngoại tệ trên thị trường để cung ứng cho nền kinh tế, do đó, việc huy động vốn TPCP sẽ trở nên khó khăn hơn, do phải cạnh tranh khốc liệt với các ngân hàng thương mại trong điều kiện chỉ số giá tiêu dùng năm nay được dự báo sẽ diễn biến phức tạp.
Theo dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế, kinh tế Việt Nam năm 2011 được dự báo tăng 6,8 - 7,2%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,5 - 8,5% (Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo GDP tăng 6,82%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 8%; Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo GDP tăng 7%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,5%). Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước dự báo GDP tăng 7 - 8%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,5 - 8,8%.
Hiện tại, Bộ Tài chính chỉ “bán buôn” TPCP cho các định chế tài chính, chứ không “bán lẻ” cho tổ chức, cá nhân thông qua hệ thống kho bạc như trước đây.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, lượng tiền trong dân hiện còn rất lớn và đề xuất: “Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính nên đưa ra các phương án huy động tiền nhàn rỗi trong dân để vừa tạo nguồn phát triển kinh tế, vừa góp phần kiềm chế lạm phát và không tạo ra căng thẳng trên thị trường tiền tệ”.
Chia sẻ quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc huy động vốn TPCP để đầu tư cho các dự án, công trình quan trọng khó thu hút các thành phần kinh tế tham gia sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa, vì vậy, Bộ Tài chính cần tính tới các phương án huy động vốn khả thi, trong đó có phương án bán lẻ TPCP như trước đây.
“TPCP là vốn đi vay, ngân sách có nghĩa vụ trả nợ cả vốn lẫn lãi, vì vậy cần phải tính tới các phương án để huy động vốn kịp thời, huy động đến đâu sử dụng đến đó, với lãi suất hợp lý để tăng hiệu quả kinh tế”, ông Kiên nhấn mạnh.
Theo Nam Kinh
Báo Đầu tư