Thường trực HĐND thành phố vừa tiến hành giám sát tại Sở Tài nguyên-Môi trường về công tác quản lý, quy hoạch các vùng khoáng sản. Mặc dù công tác quản lý nhà nước có nhiều chuyển biến song chưa theo kịp sự phát triển. Công tác kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết.
Đầu tư ít, siêu lợi nhuận
Đây được coi là lý do khiến các nhà đầu tư đổ xô đăng ký lĩnh vực khai thác khoáng sản. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi trường, chỉ riêng điểm khai thác khoáng sản ở Trại Sơn (xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên) có đến hơn 11 doanh nghiệp đăng ký cấp phép khai thác. Do khu vực này nằm trong vành đai bảo vệ khu di chỉ văn hóa Tràng Kênh theo quy định cấm khai thác. Vì lý do “tế nhị”, Sở Tài nguyên-Môi trường vẫn tổ chức đưa từng doanh nghiệp đến khảo sát, kiểm tra địa điểm, để doanh nghiệp thấy rõ khu vực cấm khai thác khoáng sản. Có tình trạng nhiều doanh nghiệp đăng ký xin phép khai thác khoáng sản cùng một địa điểm là do quy định pháp luật chồng chéo (Luật Xây dựng quy định, Sở Xây dựng là đơn vị chỉ địa điểm, giới thiệu sang Sở Tài nguyên-Môi trường, trong khi Luật Đất đai lại quy định Sở Tài nguyên-Môi trường mới có chức năng chỉ địa điểm). Mặc dù biết là địa điểm thuộc vùng cấm khai thác, nhưng vì lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp vẫn đua nhau nộp hồ sơ.
Nhiều quả núi sắp bị khai thác cạn kiệt, biến mất trên bản đồ quy hoạch khoáng sản. Ảnh: Tuyết Nga |
Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Phạm Văn Thao cho biết: Tại các khu vực khai thác khoáng sản hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra trầm trọng. Hệ thống đường giao thông bị tàn phá nặng nề. Người dân ở trong khu vực có khoáng sản chịu nhiều tác động, đời sống khó khăn.
Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Bùi Quang Sản cho biết: Pháp luật chưa quy định cụ thể doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải trích tỷ lệ lợi nhuận để tái đầu tư khu vực khai thác, do vậy cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể vận động doanh nghiệp thực hiện. Hơn nữa, trước khi cơ quan quản lý nhà nước cấp phép doanh nghiệp khai thác khoáng sản, doanh nghiệp và chính quyền cấp huyện và cấp xã thỏa thuận với doanh nghiệp yêu cầu tái đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực khai thác. Trên thực tế, có tình trạng doanh nghiệp khi tiến hành các thủ tục đăng ký cấp phép khai thác, hồ sơ đầy đủ, nhưng sau cấp phép, họ không thực hiện cam kết.
Rõ ràng, cơ quan quản lý nhà nước chưa thể hiện vai trò trong công tác kiểm tra, giám sát. Quả bóng trách nhiệm được các bên “đá đi, đá lại”. Mặc dù các bên có thỏa thuận với doanh nghiệp, nhưng liệu những thỏa thuận đó có xuất phát từ quyền lợi của nhân dân?! Phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi trường Vũ Thọ thừa nhận trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên còn nhiều hạn chế nên công tác kiểm tra sau cấp phép chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành mỏng. Đáng mừng là từ khi có lực lượng cảnh sát môi trường, những vi phạm quy định về khai thác khoáng sản giảm nhiều.
Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp chưa chặt chẽ. Vì vậy, Sở Tài nguyên-Môi trường cần sớm công khai quy hoạch các khu vực khai thác khoáng sản, tăng cường kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp được cấp phép nhưng không khai thác hoặc vi phạm quy định Luật Khoáng sản, kiến nghị thành phố thu hồi giấy phép.
Cấp phép vượt trữ lượng khoáng sản
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi trường, trong những năm gần đây, Sở hạn chế cấp phép đơn vị khai thác và chế biến khoáng sản. Năm 2009, Sở Tài nguyên-Môi trường mới cấp 4 giấy phép thăm dò, 6 giấy phép khai thác khoáng sản. Các giấy phép khai thác khoáng sản đều không khai thác hết trữ lượng mà còn để dành cho tương lai. Tuy nhiên, theo đại biểu HĐND thành phố Đoàn Trường Sơn, trong số các giấy phép khai thác được Sở Tài nguyên-Môi trường cấp, nhiều giấy phép khai thác vượt hoặc bằng trữ lượng khoáng sản hiện có. Đó là giấy phép của Công ty cổ phần Minh Phú được cấp phép khai thác đá tại núi Hang Ốc ở xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên), công suất khai thác 200 nghìn m3, với thời gian khai thác 12 năm, nhưng trữ lượng khoáng sản hiện có là hơn 2,24 triệu m3 (vượt 16 nghìn m3); khu vực núi Thanh Dền (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) có trữ lượng 427,5 nghìn m3 đất đá, silic, Công ty cổ phần thương mại Thủy Nguyên được cấp phép khai thác trong 4,5 năm, với công suất khai thác 95 nghìn m3/năm (bằng đúng trữ lượng khoáng sản hiện có)…Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi trường cho rằng, mặc dù công suất khai thác của các đơn vị đăng ký như vậy, nhưng thực tế chưa thể khai thác hết công suất.
Một số ý kiến cho rằng khi cơ quan quản lý nhà nước không tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát thì làm sao có thể biết doanh nghiệp không khai thác hết công suất.
Phó chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Nghĩa và Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại cho rằng, công tác quy hoạch và cấp phép chưa đáp ứng yêu cầu, hồ sơ cấp phép đủ, nhưng doanh nghiệp không thực hiện cam kết, cơ quan quản lý nhà nước xử lý chưa kiên quyết. Do đó, thành phố cần sớm công bố quy hoạch vùng khai thác khoáng sản, mạnh dạn đề xuất với Chính phủ cho phép thí điểm tổ chức đấu thầu điểm khai thác nhằm tăng nguồn thu ngân sách, khai thác và sử dụng đúng giá trị tài nguyên phục vụ cho sự nghiệp phát triển.
Hoàng Dũng