Việc chấm dứt hệ đào tạo ngoài ngân sách trong các trường công lập vừa tạo điều kiện cho trường công lập nâng cao chất lượng giáo dục, vừa tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập tồn tại và phát triển. Đó là ý kiến của Nhà giáo Trần Hữu Trù, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD-ĐT gửi tới tòa soạn. >> Tuyển sinh ngoài ngân sách: Cuộc đua không công bằng Hiện còn 118 ĐH, CĐ nhất là các trường ngoài công lập đang phải tiến hành xét tuyển NV3 với 45.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên đến nay, nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, có những ngành, khoa vì quá ít thí sinh đăng ký học nên sẽ phải giải thể. Một trong những nguyên nhân là việc giao chỉ tiêu tuyển sinh hiện nay vẫn theo cơ chế xin cho nên mới có tình trạng "kẻ ăn không hết người lần không ra".
Còn nhớ, cuối năm 2009, Bộ GD-ĐT đã ra thông báo: “Năm 2010 để xác định quy mô tuyển sinh hợp lý, đảm bảo chất lượng tuyển sinh, yêu cầu các trường cần đặc biệt lưu ý đến các điều kiện đảm bảo chất lượng... Đặc biệt chỉ có duy nhất một loại chỉ tiêu do các trường tự xác định và báo cáo Bộ, không có khái niệm chỉ tiêu ngoài ngân sách”. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2009 - 2010 đối với khối ĐH vừa tổ chức tháng 9.2010, nhiều trường ĐH đã yêu cầu Bộ giao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh. Tân thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng, giao chỉ tiêu như hiện nay là đã hết công suất, để đảm bảo chất lượng không thể vượt qua ngưỡng đó được. Thế nhưng khi “văn bản chưa ráo mực, lời nói chưa gió bay”, vậy mà Bộ GD-ĐT lại vừa cho phép 4 ĐH (ĐH ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện ngân hàng, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) xét tuyển hệ ngoài ngân sách trong mùa tuyển sinh 2010 này đến cả ngàn chỉ tiêu. Đây vốn là các thí thí sinh đã trượt khi thi tuyển vào các trường này vì có điểm thi tuyển thấp hơn điểm chuẩn của trường. Trước đây các lớp hệ B trong các trường THPT công lập đã bị giải thể để tạo điều kiện cho trường THPT công lập nâng cao chất lượng giáo dục giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Việc ĐH công mở hệ đào tạo ngoài ngân sách cũng giống như trường THPT công mở các lớp hệ B. Vì vậy, việc chấm dứt hệ đào tạo ngoài ngân sách trong các trường công lập cũng tạo điều kiện - nhất là nguồn tuyển sinh cho các trường ngoài công lập tồn tại và phát triển.
Theo Nhà giáo Trần Hữu Trù
(nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD-ĐT)
Đất Việt
(nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD-ĐT)
Đất Việt