Dưới ánh đèn đường loang loáng, những nam thanh niên trẻ khỏe, trong đó có nhiều người là sinh viên, đua nhau tràn xuống lòng đường vươn tay ra để “túm” khách, chấp nhận "chai mặt" để nhận được lương từ “chị chủ”. Thực trạng diễn ra phổ biến tại Hà Nội.
Những thanh niên bất chấp tính mạng đứng tràn xuống lòng đường để vẫy khách. |
“Phố vẫy”
“Phố vẫy” là từ để chỉ những “cung đường mại dâm” trước đây, nay "tái sử dụng" tại Hà Nội, tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật.
Đầu hè, thời tiết nóng nực, người người rủ nhau tìm quán để giải tỏa sự ngột ngạt. Những quán vỉa hè luôn là đích đến của họ. Cũng vì vậy mà mấy bà, mấy chị nhanh chân đã “cướp” được cho mình những “mảnh đất” tốt trên vỉa hè để bày hàng, buôn bán.
Để thúc đẩy quá trình buôn bán “thuận buồm xuôi gió”, “khách đông như quân Mông”, các “bà chủ” thuê một “đội quân” chuyên mời khách, giải quyết mâu thuẫn với các hàng quán bên cạnh và thu dọn đồ đạc thật nhanh mỗi khi có công an đi dẹp đường.
“Đội quân” đó toàn là thanh niên, độ tuổi 15 – 25, nói đủ các giọng, trong đó nhiều người là sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Đặc biệt, họ phải “khỏe mạnh, lắm lời và phải thật nhiệt tình”, chị Nga, chủ một quán nước mía, xúc xích, bánh ngô, khoai, sắn gần cổng chợ Phùng Khoang nửa đùa nửa thật cho biết.
Họ đứng giăng kín trước các hàng quán, thấy ai đi ngang qua thì chạy thật nhanh, sấn sổ mời mọc, chèo kéo khách vào quán mình. Lắm lúc, vỉa hè quá chật, họ đứng xuống cả lòng đường, lấn chiếm khá nhiều diện tích của người tham gia giao thông, tay chân không lúc nào yên.
Những người đi qua đây đều không thể tăng tốc độ, có khi phải chịu cảnh đi chậm như đi bộ vì người ra, người vào đông quá. Người “vẫy” đông không kém. Mỗi hàng quán có hẳn một “tiểu đội”, vậy là 4-5 hàng quán cạnh nhau kéo thành một “trung đoàn vẫy”.
“Bọn em làm việc này cũng thấy quen, đôi khi khách ngại mình chứ mình cũng chai dần, chẳng thấy ngại ai nữa. Em thì thường làm từ 7h đến 10h30 tối, thu nhập cũng ổn, tính cả tiền bo, tiền thưởng cũng phải được 1,5 – 1,7 triệu đồng/tháng”, Trung đang là một nhân viên của quán trà chanh tại Ngã Tư Sở giãi bày.
Bà chủ sẽ thưởng thêm cho ai “mời” được nhiều khách hơn. Vậy là vì miếng cơm manh áo của mình, chẳng cần biết người qua đó có ăn, uống gì không, họ vẫn chạy ra chặn đầu xe, giữ xe của khách và luôn mồm “Anh, chị vào quán của em đi ạ” hay “Anh, chị để em dắt xe cho”, “Các bạn để xe bên này. Vào ăn uống, trò chuyện cho thoải mái”…
Chấp nhận bị đánh
Thùy Linh, một sinh viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bức xúc thuật lại: “Bực lắm chứ. Cuối tuần mình đến nhà bác chơi, vừa phi xe vào cái ngõ nhỏ đằng sau kí túc xá trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì “tắc đường”. Dù mình đã luôn miệng nói không ăn, không ăn khi đi qua mỗi hàng quán ở đó nhưng họ chẳng chịu buông tha, cứ kéo áo, quay đầu xe, bóp phanh xe của mình lại. Đi qua đoạn đường ngắn khoảng 200m mà đầu óc mình cứ quay cuồng”.
"Đi đêm lắm có ngày gặp ma". Sau một hồi co kéo, nài nỉ, nhân viên đứng “vẫy” tên Hải tại quán phở cuốn Ngũ Xá, Trúc Bạch, đã bị một ông khách nện mũ bảo hiểm vào đầu vì “dám làm mất thì giờ của ông mày”.
Đau đớn nhưng Hải cho rằng “đấy chính là bài học của mình từ cái nghề này. “Tháng sau mình xin nghỉ luôn. Chị chủ chỉ trả mình 2/3 số tiền lương của tháng đó, giữ lại 1/3 vì lí do rất vớ vẩn: đi làm phải ít nhất 3 tháng trở lên mới được lương cao, trả đầy đủ và được thưởng. Quả thực là uất nghẹn mà không biết làm gì, tiền mất, tật thì mang”.
Không chỉ bị những người đi đường “khó tính” đánh chửi vì tội nài nỉ, bắt bớ, chặn, kéo…, mấy anh thanh niên đứng mời khách của các quán cạnh nhau còn “tự xử” lẫn nhau vì "cà khịa" để tranh khách, cố gắng kéo khách về quán mình.
“Mình còn không thể tưởng tượng nổi ngay tại Thủ đô lại để xảy ra tình trạng không đẹp như thế”, xin mượn lời nữ sinh viên Thùy Linh để kết thúc bài viết. Dư âm đọng lại còn nẫu lòng hơn khi những “trung đoàn vẫy” như thế chỉ toàn người trẻ, họ có quyền chọn cho mình một cơ hội việc làm tốt hơn, đỡ "chai mặt" hơn thế.
Tố Uyên