Năng lượng gió và mặt trời ở Việt Nam
Sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo và những tác động của việc sử dụng tài nguyên này đối với môi trường gây ra hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, ngập lụt và nhiều tác động khác gây nguy hiểm cho môi trường sống. Do vậy, phát triển ngành công nghiệp năng lượng mới là vấn đề cấp bách, càng sớm càng mang lại lợi ích to lớn, nhiều mặt, nhất là trong điều kiện tự nhiên thuận lợi như đất nước ta.
Hiện tại, tính chung toàn thế giới năng lượng tái tạo chiếm 19% nguồn cung về năng lượng, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo chiếm 8,8%. Trong khi đó, theo quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam được Bộ chủ quản trình Chính phủ xem xét và phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo mới chiếm 5% tổng nguồn điện. Việt Nam lại là nước nhiệt đới, tiềm năng bức xạ mặt trời vào loại cao trên thế giới (số giờ nắng 1600-2600 giờ/năm). Từ những năm 1980 đến 1990, thực hiện chương trình nhà nước về năng lượng tái tạo, một số trường đại học, viện nghiên cứu tiến hành nghiên cứu ứng dụng năng lượng mặt trời để chưng cất nước, sấy khô, làm pin mặt trời, nhất là để đun nước nóng. Thực tế cho thấy, sản xuất điện từ than gây ô nhiễm lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe và mất nhiều kinh phí để khắc phục ô nhiễm (1 nhà máy điện từ than công suất 1000 MW, mỗi năm thải ra môi trường 6 triệu tấn CO2, 44 nghìn tấn SO2, 22 nghìn tấn NO2 và nửa triệu tấn thải rắn). Ưu điểm dễ thấy của phong điện là không tiêu tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường như các nhà máy nhiệt điện và tiết kiệm đất xây dựng, khác hẳn với các nhà máy thủy điện chỉ có thể xây dựng gần dòng nước mạnh với những điều kiện đặc biệt và cần diện tích rất lớn cho hồ chứa nước. Các trạm phong điện có thể đặt gần nơi tiêu thụ điện, như vậy sẽ tránh được chi phí cho việc xây dựng đường dây tải điện. Tin vui cho phát triển năng lượng gió, trong các năm từ 2010 đến 2013, Nhật Bản sẽ cho Việt Nam vay với lãi suất ưu đãi 40 triệu USD phục vụ dự án “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo (EEREP)". Ngoài ra, theo thỏa thuận được ký kết giữa Bộ Công Thương và Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) (tháng 7-2009 tại Hà Nội), GTZ sẽ hỗ trợ 1 triệu EURO cho Việt Nam thực hiện dự án Xây dựng khung pháp lý và hỗ trợ kỹ thuật cho điện gió nối lưới tại Việt Nam” trong giai đoạn 2009-2011. Dự án giúp Việt Nam triển khai xây dựng quy trình quy hoạch điện gió, chương trình thúc đẩy tiến bộ khoa học về điện gió và tư vấn các dự án điện gió tại Việt Nam.
Các trạm điện gió tại huyện đảo Bạch Long Vĩ cần được xây dựng lại với công nghệ phù hợp Ảnh : Duy Lân |
Hải Phòng- đừng chậm chạp trong cuộc cạnh tranh
UBND thành phố Hải Phòng vừa làm việc với lãnh đạo Công ty Cenergy Power. Theo kế hoạch, công ty đang hoàn tất hồ sơ pháp lý mở chi nhánh tại Việt Nam, năm 2010, chọn địa điểm mở văn phòng và Trung tâm đào tạo chuyên gia về kỹ thuật năng lượng mặt trời; đồng thời tiến hành một số mô hình thí điểm tại Hải Phòng. Tuy nhiên, để thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, cần xúc tiến công tác chuẩn bị. Đó là khảo sát điều tra để có cơ sở khoa học quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo. Điều đó cũng sẽ góp phần làm cho Hải Phòng vừa hiện đại, vừa tiến tới một thành phố xanh-sạch-đẹp hơn.
Thành phố nên có các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ các chương trình khai thác quang năng. Một mặt tiếp thu những công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, mặt khác sử dụng nguồn vật tư thiết bị giá rẻ mà ở Việt Nam đã và đang sản xuất.
Năng lượng gió là thế mạnh của Hải Phòng-thành phố ven biển, với địa hình thuận lợi và năng lượng gió dồi dào. Xây dựng các trạm phong điện sử dụng vốn đầu tư nhỏ hơn nhiều so với thủy điện và nhiệt điện, dù làm đơn chiếc hay hàng loạt. Một địa phương, một nhà đầu tư, một doanh nghiệp hay cá nhân cũng có thể sở hữu một hoặc một số trạm phong điện, tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Theo tính toán gần đây của các chuyên gia, tỷ suất đầu tư cho trạm phong điện thấp hơn 15% so với nhiệt điện và 50% so với thủy điện cùng công suất. Tại Việt Nam, tiềm năng về năng lượng tái tạo rất lớn, có thể lớn hơn 500 lần nhà máy thủy điện Sơn La và bằng 1000 lần tổng công suất điện hiện có của Việt Nam. Phong điện rất có ưu thế. Lắp một quạt gió lớn chỉ mất 2-3 ngày và sau 1 tuần là có điện. Trong khi đó, xây dựng nhà máy thủy điện và nhiệt điện cần 1-3 năm, điện hạt nhân 10 năm. Ưu thế khác là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng rất ít so với các dạng đầu tư khác. Các trạm phong điện đặt ở ven biển cho sản lượng cao hơn các trạm nội địa, vì bờ biển thường có gió mạnh. Giải pháp này tiết kiệm đất xây dựng, đồng thời việc vận chuyển các cấu kiện lớn cũng thuận lợi hơn trên bộ. Bờ biển Hải Phòng dài 125 km có thể tạo ra công suất hàng triệu kw phong điện. Những đảo nhỏ gần bờ cũng có thể đặt trạm phong điện. Trường hợp này không cần làm trụ đỡ cao, tiết kiệm đáng kể chi phí xây dựng.
Bắt đầu từ đâu ?
Năng lượng từ gió và mặt trời là vô tận, song chúng lại là những nguồn năng lượng khó kiểm soát nhất. Các nguồn năng lượng tái tạo này phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ. Cơ sở dữ liệu để đánh giá, phân tích các nguồn này hiện còn thiếu, tản mạn, không được cập nhật.
Đối với thành phố Hải Phòng, cần nghiên cứu đồng bộ về khảo sát điều tra có cơ sở khoa học, bắt đầu bằng việc nghiên cứu đo đạc các dữ liệu về nắng, gió kết hợp với phân tích địa hình, thủy văn, phân vùng kinh tế để lập bản quy hoạch chi tiết mang tầm chiến lược, làm cơ sở cho việc gọi vốn đầu tư trong nước và ngoài nước cho các dự án về năng lượng tái tạo.
Bất cứ quốc gia, thậm chí địa phương, nào không đặt nền móng ngay từ bây giờ cho sự phát triển năng lượng tái tạo sẽ chậm chạp trong cuộc cạnh tranh. Các nhà kinh tế-môi trường nhiều nước cho rằng, sự tiếp cận với năng lượng được sản xuất một cách bền vững là chính sách năng lượng, chính sách khí hậu tích cực và cũng là chính sách hòa bình.
TS Lê Tuấn Lộc
(Giám đốc Trung tâm Khoa học mỏ- địa chất và năng lượng mới
Liên hiệp các Hội KH và KT Việt Nam)