Từng bước nâng cao định mức chi thường xuyên cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi từ 2,2 triệu đồng/ trẻ/ năm từ năm 2009 lên 7,3 triệu đồng/ trẻ/ năm vào năm 2015.
Đó là một trong các dự kiến giải pháp của Bộ GD&ĐT để đạt được mục tiêu giáo dục cho mọi người cấp học mầm non đến năm 2015.
Cùng với đó, vùng khó khăn, vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, nhà nước tổ chức các trường, lớp mầm non, công lập và đảm bảo 100% kinh phí từ ngân sách để chi thường xuyên, bố trí đủ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ. Với vùng nông thôn, nhà nước tổ chức các trường, lớp mầm non công lập tự chủ 20-25% kinh phí chi thường xuyên. Khu vực thành phố, thị xã, vùng kinh tế phát triển, nhà nước hỗ trợ ngân sách thường xuyên cho các trường công lập tự chủ một phần với mức độ khác nhau, phần chủ yếu được huy động từ đóng góp của cha mẹ trẻ.
Mục tiêu đạt được là các vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, hải đảo, huy động từ 85% số trẻ trong độ tuổi năm 2009 lên 95% năm 2015, đảm bảo có 100% số trẻ 5 tuổi được học tại các trường công lập. Vùng nông thôn, đồng bằng, huy động đạt từ 90% số trẻ trong độ tuổi năm 2009 lên 95% năm 2015. Đối với lứa tuổi còn lại (3 tháng – 4 tuổi), huy động ra lớp theo nhu cầu và điều kiện của từng địa phương, nhà nước có chính sách củng cố giữ vững số trẻ đến trường lớp công lập, phát triển ngoài công lập. Chăm lo đến các đối tượng trẻ khuyết tật, trẻ em lang thang, mồ côi, trẻ em di cư tự do, trẻ em trong các gia đình dân chài, trẻ em hạn chế về tiếng Việt…
Bộ GD&ĐT thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới để nâng cao chất lượng đối với những lớp mẫu giáo 5 tuổi và các lớp mẫu giáo, nhóm trẻ có đủ điều kiện. Huy động hầu hết trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ ngày; duy trì và giữ vững số trẻ dưới 5 tuổi đến các cơ sở giáo dục mầm non dưới nhiều hình thức; tập trung các biện pháp uy động số học sinh còn ở ngoài nhà trường.
Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích mở thêm các trường lớp mầm non tư thục ở thành thị và những nơi khác có điều kiện.
Theo GDTĐ