Hàng năm, sản lượng lương thực của tỉnh ta đạt khoảng 950 nghìn tấn. Ước tính, lượng thóc các hộ giữ lại để ăn và chăn nuôi chiếm khoảng 50% còn lại là thóc hàng hoá. Vì vậy, nếu không có các doanh nghiệp đứng ra thu mua chế biến thóc với số lượng lớn thì người nông dân dễ bị ép cấp, ép giá.
Kiểm tra chất lượng gạo trên dây chuyền chế biến gạo ở Cty cổ phần thương mại Hương Giang. |
Trên địa bàn tỉnh Cty cổ phần lương thực Nam Định là doanh nghiệp thu mua được lượng thóc khá lớn; năm 2009, Cty thu mua đạt gần 40 nghìn tấn thóc. Sản phẩm gạo của Cty được chế biến trên dây chuyền hiện đại nên có khả năng cạnh tranh, đủ điều kiện xuất khẩu trực tiếp, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bình ổn thị trường lương thực. Số thóc còn lại được các hộ, các cơ sở chế biến gạo nhỏ lẻ thu mua. Tận dụng lợi thế sẵn có về nguồn nguyên liệu dồi dào, nguồn lao động…, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có thêm một số doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp dây chuyền chế biến gạo hiện đại góp phần tăng lượng tiêu thụ thóc hàng hoá. Tại thành phố Nam Định, Cty cổ phần thương mại Hương Giang (KCN Hoà Xá) đầu tư trên 10 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền xay xát đánh bóng gạo hiện đại, công suất 4 tấn/giờ, hệ thống kho bảo quản thóc đạt chuẩn và đủ quy mô để doanh nghiệp chủ động chế biến theo yêu cầu thị trường. Để chủ động nguồn nguyên liệu, Cty hình thành mạng lưới thu mua tiêu thụ thóc bằng nhiều hình thức như thu mua trực tiếp tại Cty, mua qua các đại lý, tổ chức thu mua lưu động… Cty xác định được thị trường, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để mua được các loại thóc theo yêu cầu khách hàng. Cty niêm yết giá tại từng thời điểm để người bán có sự lựa chọn. Người bán hàng được Cty tạo điều kiện thuận lợi, thanh toán nhanh gọn… Gạo thành phẩm của Cty chủ yếu xuất nội địa, bán lẻ cho các đại lý ở các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể. Trên địa bàn thành phố Nam Định, Cty có các đại lý tiêu thụ ổn định lượng gạo lớn, Cty bán cho các bếp ăn tập thể KCN Hoà Xá trong đó có Cty Youngone (Hàn Quốc). Bước đầu Cty đã xuất khẩu uỷ thác qua một đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu ở TP Hồ Chí Minh được một phần sản lượng gạo. Tại huyện Hải Hậu, Cty cổ phần Song Phương đã đầu tư một dây chuyền chế biến gạo hiện đại gồm máy đánh bóng Sinco, thiết bị xát trắng gắn phân ly thóc, sàng trống phân loại của Long Quân, máy tách màu điện tử Sinco… công suất trên 7000 tấn gạo một năm. Dây chuyền có độ tự động cao, ít phụ thuộc chủ quan vào công nhân vận hành, hoạt động tin cậy thu được gạo thành phẩm trắng và đồng nhất, tỷ lệ gạo nguyên cao, chất lượng bề mặt hạt gạo tốt. Bụi và tiếng ồn được xử lý ngay trong hệ thống nên hạn chế được ô nhiễm môi trường. Dây chuyền tạo việc làm ổn định cho 60 lao động có thu nhập từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/người/tháng. Cty tổ chức thu mua thóc trực tiếp tại nhà máy, mua lưu động tại các hộ dân để giảm chi phí trung gian, rút ngắn khoảng cách lưu thông của hạt thóc từ nông dân đến nhà máy. Sản phẩm gạo thương phẩm ngoài việc tiêu thụ cho các khách hàng đến ký hợp đồng tại Cty còn được cung cấp cho các nhà máy sản xuất đồ uống trong đó có Cty cổ phần Bia Hà Nội… và hướng đến xuất khẩu trong thời gian tới. Đến cuối năm 2010, Cty Song Phương tiếp tục đầu tư nâng cấp, nâng công suất dây chuyền chế biến gạo để tạo thêm việc làm cho người lao động và tăng lượng thóc mua vào.
Bên cạnh việc các doanh nghiệp nâng cao năng lực chế biến để thu mua nhiều hơn lượng thóc hàng hoá, rất cần có sự phối hợp của các hộ sản xuất. Người nông dân cần chú trọng trong các khâu sản xuất để bảo đảm chất lượng hạt thóc không còn tồn dư thuốc BVTV; các xã, HTX cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung để có lượng lớn thóc đồng nhất. Các hộ cần quan tâm đến việc sử dụng các giống lúa có chất lượng, đang được người tiêu dùng ưa chuộng và làm tốt khâu xử lý sau thu hoạch để hạt thóc có độ ẩm phù hợp với bên mua./.
Trần Hữu Quyết