Trong những năm qua, cùng với phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, hệ thống thư viện trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh ta đã được quan tâm đầu tư. Đến nay, bậc tiểu học trong tỉnh đã có 273/283 thư viện, bậc THCS có 75/166 thư viện đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh các thư viện truyền thống với hàng nghìn đầu sách, nhiều trường THPT đã được đầu tư thư viện điện tử hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu, tìm kiếm sách và tài liệu tham khảo ngày càng cao của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh. Trong những năm qua, Sở GD-ĐT đã cung ứng cho các thư viện của các nhà trường nhiều loại tạp chí với số lượng phát hành 22.200 bản, cung ứng 1.517.368 bản sách giáo khoa, sách tham khảo cho giáo viên và học sinh trị giá hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, các trường học cũng tích cực đầu tư, cập nhật, bổ sung thêm nhiều tài liệu, sách báo chuyên ngành để phục vụ nhu cầu mượn và đọc sách của giáo viên và học sinh của trường. Với việc xây dựng tủ sách dùng chung, mỗi năm các trường học trong tỉnh đã quyên góp được số lượng lớn sách giáo khoa để tặng, cho mượn đối với những học sinh là con gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không để các em thiếu sách học. Ở cấp tiểu học, mô hình “thư viện thân thiện’’, “thư viện xanh’’ được nhiều trường áp dụng đã góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong học sinh.
Thư viện Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) có hàng trăm đầu sách, báo, tư liệu phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham khảo, giải trí của giáo viên và học sinh.
Ảnh: DƯƠNG ĐỨC
|
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của hệ thống thư viện trường học hiện nay vẫn chưa tạo được sức hút mạnh mẽ đối với giáo viên và học sinh. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất, các trang thiết bị trong thư viện phần lớn còn chưa đồng bộ, ở một số trường lạc hậu; số lượng, chủng loại sách ít trong khi sách tham khảo chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu nâng cao kiến thức cho học sinh và giáo viên còn thiếu. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, nhiều trường hệ thống tủ giá, bàn ghế, ánh sáng còn chưa đồng bộ, nhiều phòng đọc còn được tận dụng để làm nơi cất giữ đồ dùng thiết bị dạy học. Có thư viện dù đã đạt chuẩn quốc gia nhưng việc bố trí, sắp xếp sách, tạp chí, tài liệu… còn chưa hợp lý, không thuận tiện cho việc tìm đọc. Nhiều giáo viên cho rằng những loại sách phù hợp với ý thích rất ít. Về phía học sinh, có em chưa một lần đến thư viện nhà trường bởi hầu hết thời gian các em đã dành cho học chính khóa, học thêm. Có em muốn đến thư viện mượn sách thì lại “ngại” các thủ tục, không gian thư viện nhỏ, muốn mượn sách phải đợi chờ lâu, mất trật tự, khiến người thủ thư không bằng lòng, nhất là khi các em hỏi nhờ tìm sách. Một nguyên nhân khiến thư viện không thu hút được nhiều giáo viên, học sinh là do sự hạn chế của lực lượng thủ thư. Mặc dù hiện nay, đội ngũ cán bộ thư viện đã từng bước tăng cả về số lượng và trình độ chuyên môn, song do hết chỉ tiêu biên chế, nhiều trường không thể tuyển được cán bộ thư viện chuyên trách mà bố trí giáo viên kiêm nhiệm, nên chất lượng hiệu quả không cao. Việc tổ chức mượn, trả và quản lý sách chưa tốt, các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách chưa phong phú và thường xuyên; hoạt động thư viện còn mang tính hình thức…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trường học, các nhà trường cần nâng cao ý thức và rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh, đồng thời quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư sách hay, tài liệu hợp lý, thiết thực, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh đọc và mượn sách ở thư viện. Khi giáo viên và học sinh say mê đọc, chủ động tìm đến sách thì chắc chắn thư viện trường học sẽ phát huy được hiệu quả tích cực./.
Thảo Linh