Theo dõi công tác bồi thường nhà nước là một nhiệm vụ trong hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước quy định tại điểm e khoản 2 Điều 73 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) năm 2017. Để hướng dẫn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước nói chung và nhiệm vụ theo dõi nói riêng, ngày 10/12/2019, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2019/TT-BTP quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước (Thông tư số 08/2019/TT-BTP).
Theo quy định, theo dõi công tác bồi thường nhà nước nói chung là việc các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc nắm bắt thông tin đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại[1]. Trong đó, nhiệm vụ theo dõi hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường là một nhiệm vụ quan trọng, một mặt giúp cho cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt kịp thời, đầy đủ các vụ việc đang được các cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý giải quyết, mặt khác, thông qua việc việc nắm bắt được số lượng vụ việc để cơ qua quản lý nhà nước thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ, tham gia xác minh, thương lượng và nắm bắt các loại tài liệu trong quá trình giải quyết đối với từng vụ việc do cơ quan giải quyết bồi thường gửi đến phục vụ hoạt động đôn đốc và kiểm tra hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường.
Do đó, tác giả đề xuất cần xây dựng Quy trình thực hiện nhiệm vụ theo dõi hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hai, lợi ích của Nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác bồi thường nhà nước.
Việc xây dựng Quy trình thực hiện nhiệm vụ theo dõi hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Thu thập thông tin
1. Thu thập thông tin
1.1. Nguồn thu thập thông tin
Từ các thông tin thu thập được từ một trong các nguồn theo quy định của pháp luật như: Báo cáo về việc giải quyết yêu cầu bồi thường; Bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết vụ án dân sự, hình sự, hành chính có nội dung giải quyết bồi thường; Quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại;
1.2. Lập danh mục vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường
Danh mục vụ việc cần thể hiện các thông tin cơ bản sau đây:
- Họ tên, địa chỉ của người yêu cầu bồi thường;
- Cơ quan giải quyết bồi thường;
- Lĩnh vực yêu cầu bồi thường;
- Tóm tắt nội dung vụ việc yêu cầu bồi thường;
- Tình hình giải quyết yêu cầu bồi thường;
- Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường.
2. Đánh giá thông tin
2.1. Phân loại vụ việc
Dựa trên danh mục vụ việc được lập, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường tiến hành phân loại theo các nhóm sau:
- Nhóm 1: Các vụ việc đã được thụ lý nhưng quá thời hạn mà cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại chưa tiến hành các thủ tục cử người, xác minh hoặc thương lượng ...
Nguồn thông tin: Nắm bắt thông qua hoạt động xin ý kiến hoặc báo cáo của cơ quan giải quyết bồi thường hoặc người có quyền yêu cầu bồi thường hoặc do cơ quan, người có thẩm quyền gửi đến;
- Nhóm 2: Các vụ việc người yêu cầu bồi thường khởi kiện tại Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự.
Nguồn thông tin: Nắm bắt qua báo cáo của cơ quan trực tiếp quản lý người người thi hành công vụ gây thiệt hại là bị đơn trong vụ án dân sự hoặc người yêu cầu bồi thường có yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường gửi đến.
2.2. Đánh giá thông tin
Trên cơ sở phân loại vụ việc thành 2 nhóm như trên, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước thực hiện như sau:
a) Theo dõi thường xuyên: Cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường thực hiện theo dõi nắm bắt thông tin một cách đều đặn, liên tục không gián đoạn đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường, giải quyết yêu cầu bồi thường nhằm bảo đảm hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật.
b) Theo dõi trực tiếp tại cơ quan giải quyết bồi thường: Cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước chọn các vụ việc đang giải quyết yêu cầu bồi thường (phức tạp, kéo dài, có khiếu nại…) thuộc nhóm 1 để xây dựng Kế hoạch theo dõi trực tiếp tại cơ quan giải quyết bồi thường.
3. Theo dõi trực tiếp tại cơ quan giải quyết bồi thường
3.1. Xây dựng kế hoạch theo dõi
Kế hoạch theo dõi cần thể hiện được các nội dung cơ bản sau đây:
a) Mục đích, yêu cầu của hoạt động theo dõi
- Thực hiện theo dõi đối với những vụ việc đang giải quyết yêu cầu bồi thường phức tạp, kéo dài.
- Sử dụng kết quả nhiệm vụ theo dõi làm căn để thực hiện nhiệm vụ đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước.
- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan có thẩm quyền theo dõi với các cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo dõi.
b) Vụ việc được theo dõi: Các vụ việc cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý, giải quyết nhưng còn gặp khó khăn, vướng mắc hoặc có phản ánh, khiếu nại của người yêu cầu bồi thường.
c) Cơ quan được theo dõi: Cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
d) Địa điểm theo dõi: Tại trụ sở cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt.
đ) Thành phần tham gia theo dõi:
- Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước có thẩm quyền;
- Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương có vụ việc theo dõi.
- Cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
3.2. Chuẩn bị các điều kiện thực hiện
a) Thành lập Đoàn theo dõi: gồm các thành viên là lãnh đạo cấp vụ hoặc cấp Phòng và chuyên viên của cơ quan có thẩm quyền theo dõi, có thể mời các cơ quan có liên quan (trường hợp cần thiết);
b) Củng cố hồ sơ, tài liệu đến vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường có phán ánh, khiếu nại được theo dõi;
c) Tiếp nhận và tiến hành nghiên cứu hồ sơ giải quyết vụ việc, dự kiến các tình huống có thể xảy ra trong quá trình thực hiện theo dõi trực tiếp tại cơ quan được theo dõi.
Bước 2: Tiến hành theo dõi
1. Thông báo cho đơn vị được theo dõi
Thời gian gửi văn bản thông báo cho đơn vị được theo dõi trước thời gian tiến hành theo dõi trực tiếp chậm nhất là 15 ngày.
2. Tổ chức buổi làm việc tại đơn vị được theo dõi
- Cơ quan được theo dõi báo cáo tình hình vụ việc, nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị liên quan đến vụ việc, nội dung được theo dõi;
- Trên cơ sở thực tế xem xét hồ sơ, xác định những vi phạm là nguyên nhân làm chậm quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường hoặc làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, lợi ích của Nhà nước, những khó khăn, vướng mắc của cơ quan được theo dõi;
- Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương và các cơ quan tham gia thực hiện theo dõi trao đổi ý kiến;
- Trưởng Đoàn theo dõi kết luận đối với từng vụ việc được theo dõi, xác định thời hạn khắc phục hoặc thực hiện, hoàn thành các yêu cầu về nghiệp vụ liên quan đến vụ việc được theo dõi.
3. Báo cáo kết quả theo dõi cho Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền
Đoàn theo dõi hoàn thiện báo cáo kết quả cho Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền theo dõi. Báo cáo cần thể hiện một số nội dung sau:
- Tình hình giải quyết bồi thường;
- Việc áp dụng pháp luật trong giải quyết yêu cầu bồi thường;
- Những vi phạm phát sinh trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường;
- Kiến nghị Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền theo dõi yêu cầu cơ quan được theo dõi thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong giải quyết yêu cầu bồi thường.
Bước 3: Ban hành văn bản đôn đốc sau khi có kết quả theo dõi
1. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền theo dõi là Bộ Tư pháp, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày có báo cáo kết quả theo dõi của Đoàn theo dõi, Bộ Tư pháp căn cứ vào quy định tại khoản 2 điều 13 Thông tư số 08/2019/TT-BTP để ban hành văn bản đôn đốc đối với cơ quan được theo dõi.
2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền theo dõi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện đôn đốc đối với các cơ quan hành chính, cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án ở địa phương.
Việc xây dựng và thực hiện tốt Quy trình theo dõi hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường sẽ đạt được mục đích sau đây:
Một là, Thực hiện nhiệm vụ theo dõi hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường theo một quy trình thống nhất, trong đó, quy định cụ thể nội dung thực hiện, trách nhiệm và mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, giữa cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước với các cơ quan giải quyết bồi thường và với các cơ quan có liên quan khác.
Hai là, Quy định rõ thời gian, trình tự trong quá trình tổ chức thực hiện theo dõi hoạt động giải quyết bồi thường, nhằm bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi kịp thời, đúng pháp luật.
Ba là, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước cũng như hiệu quả trong việc chấp hành pháp luật về theo dõi hoạt động giải quyết bồi thường của các cơ quan quản lý nhà nước./.
[1] Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 08/2019/TT-BTP.