- Ông đánh giá như thế nào về tình hình triển khai Luật TNBTCNN năm 2017 trên địa bàn Thành phố thời gian qua?
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố và với sự quan tâm, trách nhiệm của lãnh đạo các Sở, ngành trên địa bàn Thành phố, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp, công tác tổ chức thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 của Thành phố Hồ Chí Minh đã được thực hiện nghiêm túc, chủ động và đạt nhiều kết quả tích cực. Tôi có thể điểm một số kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, về kết quả triển khai thi hành Luật và thực hiện, phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước:
Để chuẩn bị cho công tác triển khai thi hành Luật TNBTCNN 2017 trên địa bàn Thành phố, trước khi Luật TNBTCNN 2017 có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chủ động ban hành văn bản số 8012/UBND-NCPC ngày 27/12/2017 giao Sở Tư pháp chủ trì triển khai thi hành Luật TNBTCNN 2017 và Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TNBTCNN trên địa bàn Thành phố; đồng thời, Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và quận, huyện triển khai Luật TNBTCNN và hằng năm đều triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức và cơ quan, đơn vị có liên quan đã khẩn trương tổ chức triển khai Luật TNBTCNN, ban hành kế hoạch, văn bản triển khai để tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước cũng như công tác bồi thường nhà nước trong phạm vi, lĩnh vực quản lý.
Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức cũng như nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân trên địa bàn Thành phố, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố đã tổ chức Hội nghị triển khai, giới thiệu những điểm mới, cơ bản của Luật TNBTCNN cho cán bộ, công chức, viên chức ở các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và quận, huyện, Tòa án nhân dân Thành phố, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố, Cục Thi hành án dân sự Thành phố, Công an Thành phố và lực lượng báo cáo viên pháp luật cấp Thành phố và quận, huyện; triển khai video, biên soạn Tờ gấp tuyên truyền đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và Cổng thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật Thành phố; các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và quận, huyện đã tổ chức 348 cuộc tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, các cá nhân và tổ chức trên địa bàn với 24.924 lượt người tham dự; phát hành hơn 58.120 tài liệu, 18.460 tờ gấp, tờ bướm có nội dung tuyên truyền pháp luật về TNBTCNN.
Về thủ tục giải quyết bồi thường nhà nước, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 6048/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 công bố danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực trách nhiệm bồi thường nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp; Quyết định số 860/QĐ-UBND ngày 11/3/2020 về phê duyệt Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp; Quyết định số 1113/QĐ-UBND và Quyết định số 1114/QĐ-UBND ngày 30/3/2020 phê duyệt Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc quyền tiếp nhận của Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
Sở Tư pháp thường xuyên theo dõi, đôn đốc, yêu cầu đơn vị có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường khẩn trương giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước còn tồn đọng, thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin kết quả hoạt động giải quyết bồi thường; tham gia vào quá trình giải quyết bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN; hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện, phối hợp thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, đặc biệt là đôn đốc, phối hợp các cơ quan tố tụng trong nắm bắt thông tin, tình hình giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Tư pháp đã tổ chức kiểm tra tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức về tình hình thi pháp luật về bồi thường nhà nước.
Thứ hai, về tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết yêu cầu bồi thường, từ khi Luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu lực đến nay, trên địa bàn Thành phố đã tiếp nhận giải quyết 14 vụ việc yêu cầu bồi thường trong các lĩnh vực (trong đó 11 vụ việc thụ lý giải quyết theo Luật TNBTCNN 2017; 03 vụ việc theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2009 còn tồn chuyển sang); 11 vụ việc đã giải quyết xong; 01 vụ việc đình chỉ giải quyết, hiện còn 02 vụ việc đang giải quyết.
Qua kết quả nêu trên cho thấy sau 05 nămthi hành, Luật TNBTCNN đã được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ, đạt được những hiệu quả nhất định. Việc tổ chức thi hành Luật TNBTCNN đã được các cơ quan thực hiện kịp thời; các cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý và giải quyết bồi thường đúng pháp luật; việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; từng bước nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo đảm giữ vững ổn định trật tự xã hội ở địa phương.
-Từ thực tiễn đó, Thành phố rút ra những kinh nghiệm gì và nguyên nhân đạt được những kết quả trên ?
Từ thực tiễn 05 năm qua, những kinh nghiệm trong công tác tổ chức thi hành pháp luật nói chung, pháp luật về TNBTCNN nói riêng và cũng là nguyên nhân của kết quả đã đạt được trong tổ chức thi hành Luật TNBTCNN trên địa bàn Thành phố đúc kết được như sau:
Thứ nhất là lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sớm, thường xuyên ở tất cả các cấp, các ngành, đến mọi đối tượng cán bộ, cả cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ thực thi nhiệm vụ ở từng vị trí công tác để tạo nhận thức thống nhất trong tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ hai là tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau phong phú đa dạng để mọi tầng lớp Nhân dân có thể tìm hiểu, tiếp cận khi có nhu cầu tìm hiểu.
Thứ ba là giải đáp, hướng dẫn áp dụng pháp luật kịp thời cho cả các cơ quan có phát sinh vụ việc cũng như cho tổ chức, cá nhân khi nhận được đề nghị hướng dẫn giúp việc hiểu và áp dụng pháp luật bảo đảm đúng và đầy đủ theo quy định của Luật TNBTCNN.
Thứ tư là phối hợp và huy động sự tham gia, phối hợp của các cơ quan trong thực hiện pháp luật BTNN, đặc biệt thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và nhận thức của các cơ quan trong việc tổ chức thi hành Luật TNBTCNN;
Thứ năm là tổ chức công tác kiểm tra giám sát bằng các hình thức phù hợp để kịp thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế bất cập trong việc tổ chức thi hành cũng như những bất cập của quy định pháp luật để có kiến nghị, đề xuất biện pháp và phương hướng tổ chức thi hành cũng nhưng điều chỉnh pháp luật cho phù hợp yêu cầu thực tiễn, trong đó, Sở Tư pháp đã có sự chủ động trong vai trò tham mưu cho UBND Thành phố trong công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, đặc biệt đã chủ động tham mưu tiếp cận công tác bồi thường nhà nước theo phương châm phòng ngừa, thường xuyên quán triệt việc nâng cao chức trách, thực hiện tốt công vụ, nhiệm vụ trong cán bộ, công chức, người thi hành công vụ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
Thứ sáu là quan tâm việc bố trí nguồn lực cho việc tổ chức thi hành pháp luật, bao gồm cả kinh phí, cơ sở vật chất và nguồn lực con người để thực hiện được các yêu cầu, nhiệm vụ tổ chức thi hành pháp luật, quản lý nhà nước về công tác bồi thường.
-Thi hành Luật TNBTCNN trong cả nước nói chung, tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đạt nhiều kết quả nhưng cũng còn có khó khăn, Thành phố có đề xuất giải pháp gì để công tác này hiệu quả hơn?
Để phát huy kết quả đã đạt được, nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN trong thời gian tiếp theo, tôi cho rằng Thành phố cần tiếp tục thực hiện những hoạt động sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Ủy đảng, các cấp lãnh đạo trong các cơ quan trong việc quán triệt, triển khai toàn diện và đầy đủ các nội dung quy định của Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thứ hai, tăng cường các hoạt động, hình thức tuyên truyền Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành rộng rãi đến Nhân dân, doanh nghiệp để mọi tầng lớp Nhân dân hiểu đúng và đầy đủ về quyền và trách nhiệm của mình, góp phần giám sát việc triển khai thực hiện Luật TNBTCNN trên thực tiễn.
Thứ ba, tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ về giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước đặc biệt là giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực tố tụng, thi hành án; nghiệp vụ giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án để các cơ quan hiểu và áp dụng đúng, thống nhất theo quy định của Luật TNBTCNN.
Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, thi hành án trong thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, trong đó chú trọng phối hợp giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài và các vụ việc mới phát sinh đảm bảo đúng quy định của pháp luật;
Thứ năm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc thực hiện Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về TNBTCNN theo hướng đơn giản hơn về thủ tục, cụ thể hơn về trách nhiệm, chặt chẽ hơn về nghĩa vụ của các cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường để bảo đảm thực thi tốt hơn việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại; nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước./.