Chương trình giải quyết việc làm - giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 được xác định là một trong những chương trình công tác trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII nhiệm kỳ 2005-2010. Sau 5 năm triển khai chương trình, đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra.
Dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn ở Trung tâm dạy nghề huyện Nam Trực.
Ảnh: Xuân Trường
|
Đến hết 6 tháng đầu năm 2010, tỉnh ta đã giải quyết việc làm cho 14300 lao động, dự kiến cả năm 2010, tạo việc làm cho 28000 lao động. Như vậy, trong 5 năm từ 2006-2010 tỉnh ta đã tạo việc làm cho tổng số 159466 lao động; trong đó năm 2006, tạo việc làm cho 36802 lao động, năm 2007, tạo việc làm cho 38314 lao động, năm 2008, tạo việc làm cho 31350 lao động, năm 2009, mặc dù suy thoái kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thu nhập, việc làm nhưng tỉnh ta cũng đã khắc phục, tạo việc làm mới cho 25000 lao động. Kết quả trên là có sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh trong việc xây dựng hệ thống giải pháp, biện pháp đúng đắn để triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra. Trong công tác giải quyết việc làm, giải pháp "phát triển kinh tế xã hội để tạo mở việc làm" đã chứng minh rõ hiệu quả, vai trò của giải pháp cơ bản, mang tính bền vững trong quá trình thực hiện chương trình. Trong 5 năm qua, nền kinh tế của tỉnh có bước phát triển mạnh, tạo ra nhiều thay đổi về cơ cấu các thành phần kinh tế, trong đó ngành công nghiệp xây dựng đã tăng tỷ lệ cơ cấu trong nền kinh tế từ 32% năm 2006 lên gần 36% vào đầu năm 2010. Sự chuyển dịch cơ cấu này đã tạo ra nhiều chỗ làm việc mới, tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động. Cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng đã giải quyết việc làm cho 34869 lao động. Cùng với ngành công nghiệp xây dựng, lĩnh vực thương mại - dịch vụ cũng chuyển biến, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 6000 lao động, trong 5 năm đã giải quyết việc làm cho 31412 lao động.
Mặc dù đã có những chuyển biến mạnh về khối kinh tế công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ nhưng trong giải pháp giải quyết việc làm nhiệm kỳ qua vẫn tập trung chú trọng tới tạo mở việc làm từ phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp vì đây vẫn là khu vực đặc thù của nền kinh tế tỉnh ta, còn tới trên 80% dân số sống ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Trong 5 năm, Chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, Chương trình phát triển thuỷ, hải sản với các chính sách đầu tư, hỗ trợ đã tạo động lực cho sản xuất nông, ngư nghiệp phát triển toàn diện. Từ kết quả đó đã tạo việc làm cho 87794 lao động, tăng tỷ lệ thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 80% (năm 2005) lên 83% vào năm 2010.
Bên cạnh giải pháp trọng tâm trên, "Chương trình giải quyết việc làm - giảm nghèo giai đoạn 2006-2010" cũng đã triển khai hiệu quả giải pháp hỗ trợ trực tiếp về cơ chế chính sách, nguồn vốn để tạo việc làm cho người lao động. Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy trong 5 năm qua, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm của TW và địa phương đã được sử dụng đạt hiệu quả cao tại tỉnh ta. Thông qua các cơ quan đại diện quản lý nguồn vốn là chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương, đã đưa đến người lao động tổng số 3018 dự án cho vay từ nguồn quỹ trị giá trên 53 tỷ đồng, từ đó tạo việc làm mới cho hàng chục nghìn lao động. Công tác xuất khẩu lao động mặc dù chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế nhưng cũng giải quyết việc làm có thu nhập khá cho hàng nghìn lao động mỗi năm theo xu hướng tăng dần về số lượng, chất lượng. Hoạt động giới thiệu việc làm, dạy nghề gắn với việc làm cũng đóng góp hữu hiệu vào công tác giải quyết việc làm…
Bên cạnh đó, chương trình giải quyết việc làm, công tác giảm nghèo cũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, chính sách tín dụng ưu đãi đã thực hiện cho vay vốn ưu đãi và vay tín dụng học sinh, sinh viên diện hộ nghèo tới trên 90611 lượt hộ, đạt tổng doanh số cho vay trên 682 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ y tế đã cấp 594225 thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo. Chính sách hỗ trợ giáo dục đã miễn, giảm học phí cho 1919 học sinh nghèo với kinh phí 383,6 triệu đồng và cấp 23058 giấy chứng nhận để học sinh, sinh viên nghèo nhận kinh phí hỗ trợ trên 27 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ về nhà ở được đặc biệt quan tâm nhằm giúp người nghèo ổn định nơi ăn chốn ở, yên tâm lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Trong 5 năm qua, Quỹ "Vì người nghèo" các cấp đã xây mới 276 nhà ở trị giá 3,498 tỷ đồng, sửa chữa 1248 nhà ở trị giá 6,553 tỷ đồng tặng các hộ nghèo trong tỉnh. Chính sách dạy nghề cho người nghèo được triển khai từ năm 2007, đã đầu tư trên 3,5 tỷ đồng dạy nghề cho 2160 người nghèo trong độ tuổi lao động. Ngoài ra, tỉnh ta đã đầu tư kinh phí trên 2 tỷ đồng tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn và hội nghị đầu bờ cho người nghèo, tổ chức truyền thông, tuyên truyền các chính sách về giảm nghèo, tập huấn cho 16405 lượt cán bộ cơ sở về công tác giảm nghèo... Đến hết năm 2009, đã có 21133 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 11,08% năm 2006 xuống còn 6,72% năm 2009.
Những kết quả về giải quyết việc làm, giảm nghèo nói trên trong giai đoạn 2006-2010 là rất quan trọng, nhưng với thực tế đến hết năm 2010, dự kiến tỷ lệ thời gian lao động ở khu vực nông thôn mới đạt 83%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 4,1%, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,99% (tương đương khoảng 32,36 nghìn hộ) thì vấn đề giải quyết việc làm, giảm nghèo vẫn được xác định là chương trình công tác trọng tâm của tỉnh trong những năm tiếp theo./.
Hoàng Văn