Để nâng giá trị pháp lý của văn bản công chứng, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng quy định, văn bản công chứng có giá trị bắt buộc thực hiện đối với các bên tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Với việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2006, đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta đã và đang phát triển nhanh về số lượng.
Hiện nay, tổng số công chứng viên được bổ nhiệm trong cả nước là 1.490 người, trong đó có 1.184 công chứng viên đang hành nghề. Trong cả nước cũng đã thành lập được 658 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 138 phòng công chứng (toàn bộ 63/63 địa phương đã có phòng công chứng) và 520 văn phòng công chứng (60/63 tỉnh, thành phố có văn phòng công chứng theo mô hình xã hội hóa).
Như vậy, so với thời điểm năm 2007 khi Luật Công chứng bắt đầu có hiệu lực thi hành, hiện nay đội ngũ công chứng viên đã tăng 7,5 lần, số lượng tổ chức hành nghề công chứng tăng 5 lần. Không chỉ tăng lên về số lượng, chất lượng đội ngũ công chứng viên cũng có những tiến bộ đáng kể, quy mô và tính chuyên nghiệp của các tổ chức hành nghề công chứng cũng được nâng cao.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng cho thấy hoạt động công chứng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Chất lượng của đội ngũ công chứng viên tuy đã được nâng lên một bước, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Tổ chức hành nghề công chứng phân bổ chưa phù hợp với định hướng và yêu cầu của xã hội. Các văn phòng công chứng mới chỉ tập trung tại những tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Đa số các văn phòng công chứng có quy mô nhỏ, tổ chức còn thiếu tính ổn định, bền vững. Phạm vi công chứng còn bó hẹp, chưa tạo điều kiện cho người yêu cầu công chứng khi có yêu cầu công chứng các giao dịch, giấy tờ để thực hiện các quyền lợi chính đáng của họ khi tham gia các giao dịch ở trong nước cũng như ở nước ngoài để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Điều đáng quan tâm là giá trị pháp lý của văn bản công chứng do công chứng viên thực hiện theo quy định của Luật Công chứng hiện hành không còn phù hợp với tính đa dạng, phức tạp của các giao dịch trong đời sống dân sự ở nước ta, tính ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các bên tham gia giao dịch trong văn bản công chứng chưa đủ thuyết phục để buộc bên có nghĩa vụ thực hiện, do vậy vẫn còn nhiều tranh chấp xảy ra gây lãng phí cho người dân, tạo thêm gánh nặng cho Toà án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế, bất cập nêu trên là do một số quy định của Luật Công chứng đã không còn phù hợp với thực tiễn. Một số quy định của Luật Công chứng còn chưa phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thông lệ quốc tế, việc thành lập, phát triển các tổ chức xã hội - nghề nghiệp công chứng viên chưa đủ mạnh để phát huy đầy đủ vai trò tự quản của công chứng viên.
Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng cho biết, để nâng giá trị pháp lý của văn bản công chứng, Dự thảo Luật (Điều 6) quy định văn bản công chứng có giá trị bắt buộc thực hiện đối với các bên tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận về quyền được yêu cầu cưỡng chế thi hành nghĩa vụ thì khi một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền được yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền cưỡng chế thi hành hợp đồng, giao dịch đó.
Đây sẽ là một trong những vấn đề lớn được sửa đổi, bổ sung tại Luật Công chứng lần này.
Quang Minh