Kể từ sau khi thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (năm 1997), công tác nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài luôn được các cấp chính quyền thành phố quan tâm thực hiện và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Hoàn thành phổ cập THCS trước 10 năm
Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh tặng Bằng khen của UBND thành phố cho các học sinh đỗ thủ khoa vào các trường ĐH năm 2009. |
Để thực hiện công tác xóa mù chữ-phổ cập giáo dục (XMC-PCGD) trên toàn địa bàn thành phố, trong những năm qua, các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể các cấp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực và ngày càng có hiệu quả hơn. Chẳng hạn như, hằng năm, Thành Đoàn triển khai thực hiện “Chiến dịch ánh sáng văn hóa hè”, phát động phong trào “Giúp bạn nghèo vượt khó học tập”, góp phần đáng kể vào việc duy trì sĩ số học sinh, giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Hội LHPN thành phố phát động phong trào “Phụ nữ cho con đi học đúng độ tuổi, không cho con bỏ học” gắn với việc vay vốn trong chương trình “xóa đói giảm nghèo” nhằm tạo điều kiện cho con em học tập.
Hội Khuyến học thành phố đã cấp hàng ngàn suất học bổng cho học sinh nghèo, giúp các em học hết THCS và các bậc học tiếp theo. Bộ đội Biên phòng thành phố tổ chức mở các lớp XMC ở các xã miền núi và các phường ven sông, biển... Đặc biệt, ngành Giáo dục-Đào tạo đã kịp thời xây dựng các Trung tâm GDTX-HN làm nhiệm vụ đứng điểm, tham mưu thực hiện kế hoạch XMC-PCGD trên từng địa bàn quận, huyện, đạt kết quả cao.
Nhờ những quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác XMC-PCGD của cả hệ thống chính trị thành phố, đến năm 1997, thành phố Đà Nẵng đã đạt chuẩn quốc gia về chống mù chữ-phổ cập giáo dục tiểu học; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2000; phổ cập giáo dục THCS năm 2001 (trước 10 năm theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo), là đơn vị xếp thứ 2 trên cả nước (sau Hà Nội). Đến tháng 12-2005, toàn thành phố có 56/56 xã, phường đạt chuẩn PCGD THCS đúng độ tuổi. Và hiện nay, có 53/56 xã, phường đạt chuẩn phổ cập bậc trung học.
Chăm lo bồi dưỡng nhân tài
Sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (năm 1997), UBND thành phố đã có quyết định mang tính đột phá nhằm xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đó là ban hành các Đề án 32 “Hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài, dành cho học sinh THPT bằng nguồn ngân sách Nhà nước” và Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở ở nước ngoài. Đây là quyết định đúng đắn, được nhân dân đồng tình ủng hộ và kích thích tinh thần học tập, phấn đấu vươn lên của thế hệ trẻ. Với Đề án 32, trong những năm đầu, số học sinh giỏi, đủ tiêu chuẩn tham gia Đề án chủ yếu là học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đến những năm sau này, nhiều học sinh ở các Trường THPT như Phan Châu Trinh, Phan Thành Tài… cũng tham gia đề án.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, thành phố đã chi ngân sách 106 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện các đề án đào tạo nguồn nhân lực; trong đó, Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ đã có 70 người được cử đi đào tạo tại 34 trường ở 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (trong số đó, đã có 21 người tốt nghiệp về nước và được phân công công tác); Đề án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước bằng ngân sách Nhà nước, đã có 236 học sinh theo học, trong đó, có 39 người đã tốt nghiệp được phân công công tác và 20 người học chuyển tiếp sau đại học.
Có thể nói , sự nghiệp “trồng người” trong những năm qua luôn được thành phố quan tâm đầu tư đúng mức. Nổi bật nhất là năm học 2003-2004, UBND thành phố quyết định đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn theo hướng trường chất lượng cao, giữ vai trò là “cái nôi” bồi dưỡng, phát triển nhân tài cho thành phố.
Và cũng trong ngần ấy năm được đầu tư xây dựng mới, thầy trò Trường chuyên Lê Quý Đôn đã mang vinh quang về cho thành phố với những tấm huy chương quốc tế đã đoạt được, cụ thể: Năm 2004, học sinh Nguyễn Công Thành đoạt Huy chương đồng Olympic Vật lý quốc tế và Phạm Xuân Hòa đoạt Huy chương bạc Olympic Tin học quốc tế 2004; năm 2005, Đỗ Quốc Khánh đoạt Huy chương đồng Olympic Toán học quốc tế; năm 2007, Bùi Đức Thắng cùng lúc đoạt Huy chương bạc Olympic Vật lý châu Á và Huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế; năm 2008: Huỳnh Minh Toàn đoạt đúp 2 chiếc Huy chương bạc Olympic Vật lý châu Á và Huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế; Nguyễn Quốc Toán đoạt giải khuyến khích Olympic Vật lý châu Á và Nguyễn Bá Cảnh Sơn đoạt Huy chương bạc Tin học Olympic quốc tế; năm 2009, Nguyễn Đình Tùng đoạt Huy chương bạc Olympic Vật lý quốc tế và Đinh Hưng Tư đoạt Huy chương đồng Olympic Vật lý châu Á. Ngoài ra, trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, chất lượng và số lượng học sinh của trường trúng tuyển cũng không ngừng tăng lên qua từng năm học. Ở kỳ thi tuyển sinh ĐH năm học 2008-2009, 100% học sinh của trường dự thi đều trúng tuyển ĐH (236 học sinh).
Ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo nhận xét, từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao được lãnh đạo thành phố quan tâm đúng mức, thông qua việc ban hành các đề án thu hút đào tạo nhân lực trong và ngoài nước bằng ngân sách thành phố. Đáng mừng hơn, thời gian gần đây, các lĩnh vực mã ngành đào tạo trong và ngoài nước ngày càng phong phú, đa dạng đã tạo nhiều điều kiện cho các thế hệ trẻ tham gia nhiều hơn.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN