Phòng đọc Thư viện tỉnh đáp ứng nhu cầu đọc sách báo của đông đảo độc giả.
Ảnh: Dương Đức
|
Với sự xuất hiện ồ ạt của các loại hình giải trí và các phương tiện thông tin, nghe nhìn hiện đại đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hoá đọc nói chung và hoạt động của hệ thống thư viện nói riêng. Hệ thống các thư viện trong tỉnh cũng trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả, nhất là thư viện tuyến huyện. Nguyên nhân do hệ thống cơ sở vật chất lạc hậu, nhiều thư viện huyện chưa có trụ sở riêng, phải hoạt động chung với các cơ quan, đơn vị khác. Số lượng đọc giả vốn đã ít, phần lớn là đối tượng hưu trí, người cao tuổi nay càng giảm vì không có phòng đọc cố định, toàn bộ đầu sách bị “đóng” vào kho. Mặt khác, số đầu sách bổ sung hàng năm chỉ trông vào nguồn luân chuyển sách của thư viện tỉnh từ 150-200 bản/năm, trong đó, thể loại sách đơn điệu, không đáp ứng được nhu cầu đọc sách, nghiên cứu của các tầng lớp nhân dân. Nhiều thư viện huyện có tổng đầu sách ít, phần lớn là sách cũ như: Xuân Trường (3.400 bản), TP Nam Định (6.490 bản), Ý Yên (7.867 bản), Nam Trực (3.661 bản), Trực Ninh (6.738 bản). Các thư viện trong cả nước đang “tin hoá” thư viện, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ bạn đọc tra cứu các cơ sở dữ liệu, nhưng ở cả 10 thư viện huyện, thành phố trong tỉnh đều “5 không”: không ứng dụng công nghệ thông tin, không hệ thống máy vi tính, không nối mạng Internet, không phần mềm thư viện, không có phòng đọc đa phương tiện. Hiện nay, lượng bạn đọc của các thư viện ngày một giảm, bình quân mỗi thư viện huyện chỉ có 200 độc giả đăng ký thẻ/năm, 9.400 lượt người đọc/năm. Phần lớn các thư viện huyện chỉ có một cán bộ phụ trách, số cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên là 6 người, trung cấp là 4 người và không có chuyên môn về thư viện là 2 người. Không ít nơi, cán bộ thư viện lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc ngoài nghiệp vụ.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện cấp huyện trong tỉnh, cấp uỷ Đảng, chính quyền cần tập trung chỉ đạo, đầu tư xây dựng, trang bị hệ thống cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ thư viện. Tiếp tục nhân rộng mô hình xã hội hoá công tác thư viện như: phát triển mô hình tủ sách, phòng đọc thư viện tư nhân… Hiện tại ở tỉnh ta, đã có một số thư viện tư nhân hoạt động hiệu quả. Tiêu biểu như ở xóm 7 xã Hải Anh (Hải Hậu) thư viện của gia đình ông Nguyễn Đức Cương, và con trai là anh Nguyễn Văn Nam gồm một phòng đọc hơn 100 chỗ ngồi với hơn 1 vạn cuốn sách. Trong 12 năm qua, phòng đọc của gia đình ông đã trở thành một phần trong đời sống của nhân dân, nhất là đối với các em thiếu nhi trong xã.
Cũng như “thư viện làng” của gia đình ông Cương, mô hình thư viện tư nhân với tên gọi “Phòng thiếu nhi huyện Hải Hậu” của gia đình ông Đặng Văn Khảm được coi là một trong những nhân tố mới. Đi vào hoạt động từ năm 1995 theo phương thức Nhà nước lo trụ sở, tư nhân tự lo đầu sách và hoạt động, phục vụ tự trang trải. Hiện nay, phòng đọc của ông Khảm có trên 30.000 bản sách (hơn gần 50% so với bản sách của thư viện huyện) mở cửa tất cả các ngày trong tuần, phục vụ từ 300-500 lượt người đọc/ngày. Mô hình thư viện tư nhân của ông Khảm, ông Cương là một cách làm, hướng đi đúng đắn có hiệu quả cần được nhân rộng trong công tác xã hội hoá hoạt động thư viện, phục vụ nhu cầu đọc sách, nghiên cứu, nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội địa phương./.
Việt Thắng