Cty TNHH cơ khí Xuân Trung, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) thường xuyên tạo việc làm, thu nhập cho 30 lao động.
Ảnh: Dương Đức
|
Tính đến đầu năm 2010, huyện Nam Trực có 190050 nhân khẩu, trong đó 102439 người ở tuổi lao động. Mặc dù công tác giải quyết việc làm của huyện trong những năm qua được đánh giá là hiệu quả, nhưng vẫn còn 2265 lao động chưa có việc làm. Định hướng của huyện là phấn đấu giải quyết việc làm cho số lao động trên cũng như số lao động chưa có việc làm phát sinh trong thời gian tới. Qua điều tra nhu cầu sử dụng lao động cho thấy, trên 90% lao động có nhu cầu việc làm ở khối công nghiệp, xây dựng chủ yếu ở ngành cơ khí truyền thống, vì vậy huyện xác định lấy những ngành nghề này làm trọng tâm giải quyết việc làm. Để triển khai, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đến từng doanh nghiệp thu thập thông tin nhu cầu sử dụng lao động. Sau khi khớp nối giữa yêu cầu tuyển dụng với khả năng làm việc, trình độ tay nghề của lao động chưa có việc làm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã tiến hành giới thiệu lao động với doanh nghiệp để tuyển dụng. Bằng hình thức này, huyện đã tìm kiếm, tạo việc làm ổn định cho trên 1000 lao động với thu nhập hàng tháng từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2010, tổng số lao động được giải quyết việc làm là 2000 người thì có 370 người nhờ các dự án vay vốn tạo việc làm, 150 người đi xuất khẩu lao động, 400 người đi làm việc ở tỉnh ngoài, còn lại đều làm việc tại các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống. Lợi thế của việc tạo nghề, tạo việc này rất lớn, không chỉ giúp người lao động làm việc ở quê, không phải xa nhà mà còn là động lực thúc đẩy các làng nghề phát triển…
Để tận dụng ưu thế làng nghề, ngành nghề truyền thống địa phương để giải quyết việc làm, trong thời gian tới, huyện Nam Trực đẩy mạnh dạy nghề, học nghề cơ khí, điện và các ngành nghề liên quan tới phát triển làng nghề truyền thống. Trong 6 tháng đầu năm 2010, toàn huyện đã đào tạo nghề cho 1300 người. Ngoài trung tâm dạy nghề mở các lớp đào tạo, huyện phối hợp với các doanh nghiệp tại các làng nghề mở lớp đào tạo tại xưởng với hình thức vừa học vừa làm, học xong làm việc ngay tại doanh nghiệp. Nhờ được định hướng tốt, được cơ sở sản xuất kinh doanh đồng ý tiếp nhận nên số lượng học viên ngày càng đông, đặc biệt là số lao động hộ nghèo, lao động nông thôn.
Theo kết quả điều tra vào tháng 6-2010, địa bàn huyện có 53 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 3813 lao động có tay nghề từ trung cấp trở lên. Từ nhu cầu này, huyện đang đẩy mạnh đào tạo, đào tạo nâng cao để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong huyện. Dự kiến đến hết năm, toàn huyện sẽ giải quyết việc làm cho 3700 lao động, trong đó gần 3000 người sẽ tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, làng nghề, ngành nghề truyền thống ở quê hương. Từ kết quả trực tiếp của công tác giải quyết việc làm và các mặt công tác khác, huyện Nam Trực phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,6% vào đầu năm 2011./.
Đông Hoàng
[links()]