Tiếng trống khai trường đã điểm, báo hiệu năm học 2010-2011 với thầy và trò thành phố Cảng. Gặt hái nhiều thành công năm học 2009-2010, với 9/14 lĩnh vực công tác được Bộ Giáo dục-Đào tạo đánh giá cao, giáo dục mũi nhọn 15 năm liên tục có học sinh đoạt giải Ô-lym-píc quốc tế, ngành Giáo dục-Đào tạo Hải Phòng còn không ít trăn trở vào năm học mới.
10 thành tích nổi bật
Năm học 2009-2010, GD-ĐT Hải Phòng có 10 thành tích nổi bật. Trước hết, đề án về phát triển giáo dục mầm non được thành phố thông qua, Thành ủy và HĐND thành phố ban hành các Nghị quyết về “Ổn định và phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2015, định hướng đến năm 2020”, UBND thành phố có Chương trình hành động cụ thể thực hiện các Nghị quyết nói trên. Thành phố đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ các địa phương cải tạo, nâng cấp, xây mới 100 phòng học mầm non là những chuyển động ban đầu nhằm đưa các Nghị quyết vào cuộc sống, làm thay đổi diện mạo giáo dục mầm non sau nhiều năm chưa được quan tâm thỏa đáng.
Lễ khai giảng tại Trường THPT Thăng Long Ảnh: Minh Hải |
Thầy và trò toàn ngành thực hiện hiệu quả 3 cuộc vận động và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Về kết quả giáo dục các bậc học, đáng kể là thành tích giáo dục tiểu học và giáo dục trung học. Trong đó, học sinh tiểu học giành được 5 huy chương vàng cá nhân và huy chương vàng đồng đội trong kỳ thi giải toán qua mạng Internet, 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc tại Ô-lym-píc ngoại ngữ quốc gia và 5 huy chương vàng, bạc, đồng tại cuộc thi, giao lưu toán tuổi thơ toàn quốc. Học sinh bậc THPT giành 72 giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 7 giải nhất, tăng 4 giải so với năm học trước. Hải Phòng là địa phương duy nhất trong cả nước 15 năm liên tục có học sinh đoạt giải tại các kỳ Ô-lym-píc quốc tế. Ngành GD-ĐT còn triển khai thành công văn phòng điện tử S-Office, là đơn vị đầu tiên tại thành phố áp dụng chứng thực chữ ký số chuyên dùng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc lưu chuyển văn bản. Hiện 95% văn bản của ngành được lưu chuyển qua văn phòng điện tử S-Office.
Trăn trở chất lượng giáo dục
Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Thế Hùng cho rằng, thành tích toàn ngành đạt được năm học qua và những năm trước chưa xứng tầm và vị thế thành phố… Bảng xếp hạng kết quả tuyển sinh đại học năm 2010 do Bộ GD-ĐT thực hiện, Hải Phòng đứng thứ 10, tụt một bậc so với năm 2009, xếp sau các địa phương Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương khiến cho bất cứ ai tâm huyết với sự nghiệp GD-ĐT phải băn khoăn và suy ngẫm. Trong khi giáo dục mũi nhọn luôn đứng đầu cả nước, giáo dục đại trà chỉ nằm trong tốp 10. Kết quả đó phản ánh chất lượng giáo dục đại trà chưa đồng đều tại các địa phương. Ở ngoại thành, chỉ có Trường THPT Vĩnh Bảo có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao. Khu vực nội thành, các trường THPT chuyên Trần Phú, THPT Thái Phiên, Ngô Quyền và Lê Quý Đôn tỏa sáng, số còn lại chưa thể ghi tên vào danh sách trường THPT có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao của cả nước. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT, nguyên nhân là một bộ phận giáo viên chưa tâm huyết với nghề, ngại học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chậm đổi mới phương pháp dạy học. Bên cạnh đó, việc phát triển mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, thiết bị dạy học còn thiếu và nghèo nàn, chất lượng giáo dục các trường ngoài công lập còn thấp, tiến độ xây trường chuẩn quốc gia chậm, công tác giáo dục đạo đức, giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục kỹ năng sống cho học sinh chưa được quan tâm đúng mức...
Coi trọng giáo dục học sinh kỹ năng sống
Giám đốc Đỗ Thế Hùng khẳng định, tiếp tục thực hiện chủ đề năm học “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, năm học 2010-2011 ngành GD-ĐT Hải Phòng thực hiện một số việc trọng tâm. Trước hết, đẩy mạnh giáo dục học sinh kỹ năng sống và đổi mới công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên. Với quan điểm giáo dục kỹ năng sống phải được thực hiện sớm, Sở GD-ĐT chọn một số trường mầm non thí điểm dạy kỹ năng sống, thực hành giao tiếp cho học sinh. Công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên có sự đổi mới, không tổ chức vào dịp hè mà tổ chức thường xuyên, liên tục các lớp bồi dưỡng giáo viên, giúp đội ngũ giáo viên tiếp cận đổi mới phương pháp dạy học và tư duy giáo dục. Cán bộ, giáo viên ham học hỏi sẽ được ngành GD-ĐT và các trường tạo điều kiện về thời gian và hỗ trợ kinh phí học tập. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giỏi, tâm huyết chính là một trong những giải pháp để ngành GD-ĐT nâng cao chất lượng giáo dục và hoàn thành nhiệm vụ năm học 2010-2011.
Bích Hạnh