Nam Định xây dựng nông thôn mới

Năm 2009, Hải Đường, huyện Hải Hậu là xã đầu tiên của tỉnh được Trung ương chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, sau hơn một năm triển khai thực hiện, không chỉ có Hải Đường mà hơn 200 xã, thị trấn của Nam Định đã căn cứ vào các tiêu chí của NTM để tự rà soát, đánh giá mức độ đạt được, từ đó nhận ra những thuận lợi và khó khăn trên con đường xây dựng quê hương...

Năm 2009, Hải Đường, huyện Hải Hậu là xã đầu tiên của tỉnh được Trung ương chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, sau hơn một năm triển khai thực hiện, không chỉ có Hải Đường mà hơn 200 xã, thị trấn của Nam Định đã căn cứ vào các tiêu chí của NTM để tự rà soát, đánh giá mức độ đạt được, từ đó nhận ra những thuận lợi và khó khăn trên con đường xây dựng quê hương...

Từ điểm sáng Hải Đường...

Làng văn hoá Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản).  Ảnh: Xuân Thu
Làng văn hoá Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản).
Ảnh: Xuân Thu

 Chúng tôi về Hải Đường, một xã thuần nông thuộc huyện Hải Hậu. Tiếp chúng tôi tại trụ sở xã, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tuần cho biết, là xã thuần nông với hơn 13 nghìn dân nhưng Hải Đường chỉ có hơn 1.000 ha đất tự nhiên. Người dân ở đây vốn cần cù chịu khó, có trình độ thâm canh nên năng suất lúa luôn đạt bình quân 125 tạ/ha, bình quân lương thực gần 600 kg/người/năm, giá trị sản xuất đạt hơn 50 triệu đồng/ha/năm. Ngoài nghề nông, nhiều gia đình trong xã có thêm nghề đan móc sợi, xây dựng, cơ khí, chế biến cau, gia công may, trồng cây cảnh, sản xuất vật liệu xây dựng... Khi được chọn thí điểm xây dựng NTM là năm 2007 trên địa bàn xã có làng Hoành Đồn là 1/17 làng trong cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm làng điểm xây dựng NTM cấp Bộ và được đánh giá khá thành công. Phát huy những kết quả đó, cùng với truyền thống của một xã Anh hùng LLVTND, năm 2009, Hải Đường tiếp tục được Ban Bí thư TW Đảng chọn để xây dựng thí điểm mô hình NTM trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 Ngay sau khi được chọn làm điểm xây dựng NTM, xã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý, các tiểu ban, đồng thời ban hành quy chế hoạt động, phân công các cá nhân phụ trách từng công việc cụ thể và triển khai thực hiện. Hải Đường xác định, cùng với sự đầu tư của nhà nước phải phát huy tốt nguồn lực của địa phương, nhất là tạo sự hưởng ứng, đồng thuận của nhân dân để xây dựng NTM có hiệu quả. Xã đã tổ chức nhiều cuộc họp từ các tổ chức đoàn thể đến từng thôn, xóm để tranh thủ ý kiến, cũng như lắng nghe người dân trình bày tâm tư, nguyện vọng. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo tổng hợp ý kiến người dân để xây dựng dự án. Đồng thời có kế hoạch huy động vốn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp và con em lao động, công tác ở ngoài xã, bảo đảm vừa công khai dân chủ, vừa phù hợp sức dân. Để tạo phong trào thi đua, Hải Đường khuyến khích các xóm xây dựng NTM theo phương châm "công trình nào thì xóm đó tự bàn bạc, huy động nguồn lực, quản lý và tổ chức thực hiện. Ban quản lý xây dựng NTM xã hỗ trợ các xóm xây dựng theo hình thức: làm trước, làm tốt hỗ trợ nhiều, làm sau hỗ trợ ít". Nhờ vậy đã khuyến khích các thôn, xóm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, góp phần thay đổi bộ mặt quê hương.

 Sau một năm thực hiện dự án, cơ sở hạ tầng của xã Hải Đường khang trang, sạch đẹp hơn. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, đóng góp của doanh nghiệp, vốn lồng ghép và nhất là do nhân dân đóng góp, lên tới 26 tỷ đồng, xã đã cứng hóa 6,4 km đường giao thông, chiếm khoảng 90% tổng chiều dài đường giao thông toàn xã; hoàn thành công trình "chợ mới"; đang đầu tư xây dựng hai trường mầm non, phòng học cho hai trường THCS và hai trường tiểu học và trạm y tế xã hai tầng, 14 phòng. Người dân trong xã đều được sử dụng nước sạch, các làng đều có nhà văn hóa, đáp ứng nhu cầu hội họp và sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân. Trong quá trình xây dựng NTM, Hải Đường còn nhận được sự giúp đỡ của Viện Chính sách chiến lược và Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong việc tư vấn giúp xã xây dựng kế hoạch đào tạo nông dân; hỗ trợ xây dựng kênh thương mại; hoàn chỉnh đề án thử nghiệm và xây dựng mô hình phát triển sản xuất, như dự án sản xuất giống lúa, phát triển cây vụ đông trên chân hai lúa; dự án cải tạo vườn tạp, nuôi trồng thủy sản cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Viện Chính sách chiến lược còn cử cán bộ về tận địa phương nghiên cứu, khảo sát và giúp xã củng cố, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, dịch vụ... Để từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp sang lao động tiểu, thủ công nghiệp, xã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, sự giúp đỡ của Công ty Haprosimex (Hà Nội) đầu tư 150 máy may công nghiệp để mở lớp dạy cắt may miễn phí cho 200 lao động trên địa bàn và phát triển nghề mộc thu hút 150 lao động với thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Trao đổi ý kiến với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tuần cho biết, xã tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp về đầu tư, mở mang ngành nghề sản xuất tại địa phương, thậm chí còn nhường hẳn hội trường ủy ban xã làm nơi dạy nghề may cho thanh niên địa phương.

 ... Đến xây dựng NTM cấp tỉnh

 Triển khai xây dựng thí điểm mô hình NTM được hơn một năm, nhưng Hải Đường đã hoàn thành được tám tiêu chí (gồm quy hoạch, chợ, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị và an ninh trật tự) trong tổng số 19 tiêu chí NTM. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Năm 2007, số hộ nghèo toàn xã là 11,5% đến năm 2009 giảm xuống còn 6%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ năm triệu đồng lên 7,5 triệu đồng. Xã đề ra mục tiêu đến năm 2011 hoàn thành từ 13 đến 15 tiêu chí NTM.

 Từ điểm sáng Hải Đường, năm 2010, Nam Định đã chọn 10 xã, thị trấn ở 10 huyện, thành phố để thí điểm xây dựng mô hình NTM cấp tỉnh. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn trong tỉnh tự rà soát, đánh giá mức độ đạt được các chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Kết quả tự đánh giá của 209 xã, thị trấn cho thấy việc xây dựng NTM của Nam Định rất khó khăn, không có xã, thị trấn nào đạt từ 17 đến 19 tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 4912/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ có hai xã Yên Đồng (huyện Ý Yên) và Hải Thanh (huyện Hải Hậu) đạt từ 15 đến 16 tiêu chí; 29 xã, thị trấn đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 98 xã, thị trấn đạt từ 5-9 tiêu chí, có tới 80 xã, thị trấn chỉ đạt dưới năm tiêu chí.

Tỉnh đã căn cứ vào các tiêu chí của Trung ương và tình hình thực tế tại địa phương, tập trung vào một số tiêu chí mà hầu hết các địa phương còn thiếu, đó là trước mắt tập trung xây dựng quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn. Hiện toàn tỉnh đã lập quy hoạch sử dụng đất cho hơn 200 xã, thị trấn; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 90% số hộ sử dụng đất; hoàn thành bàn giao lưới điện hạ thế nông thôn về ngành điện quản lý tại 203/209 xã, thị trấn. Với phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" thời gian qua, Nam Định đã huy động hơn 2.400 tỷ đồng đầu tư nâng cấp gần 400 km đường, 80 cầu, cống các loại. Nhờ đó, trong số hơn 5.000 km đường giao thông nông thôn đã có gần 70% được trải nhựa và bê-tông... Mạng lưới thông tin, văn hóa nông thôn phát triển mạnh mẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh đã có điện thoại về trung tâm xã, số máy điện thoại đạt hơn 30 máy/100 dân; 100% số xã có trường học từ mầm non đến trung học cơ sở, trong đó 74% số phòng học được xây dựng kiên cố; 53% số trường đạt trường chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh có 81,5% số trạm y tế xã được xây dựng kiên cố, 84,3% số xã có trạm y tế đạt chuẩn; 53 xã, thị trấn được sử dụng nước máy tập trung... Kinh tế nông thôn có bước phát triển vượt bậc. Cơ cấu ngành nghề của các hộ, lao động nông thôn đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần số lượng và tỷ trọng nhóm nông, lâm nghiệp, thủy sản và tăng số lượng cũng như tỷ trọng nhóm hộ công nghiệp và dịch vụ.

 Những vướng mắc cần tháo gỡ

 Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nam Định, Nguyễn Mạnh Quyết, tiến độ thực hiện các công việc xây dựng mô hình NTM ở các xã điểm của tỉnh nhìn chung vẫn còn chậm. Đến nay mới có ba xã điểm của tỉnh hoàn thành xây dựng và phê duyệt đề án, nhưng tổng kinh phí thực hiện đề án đã lên tới hàng trăm tỷ đồng, như xã Giao Hà, huyện Giao Thủy hơn 190 tỷ đồng; xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản hơn 177 tỷ đồng và xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường  hơn 136 tỷ đồng. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Nam Định hiện mới đạt 9 triệu đồng/năm. Việc lập dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt các báo cáo kinh tế kỹ thuật một số hạng mục công trình chậm. Kinh phí huy động từ đóng góp của nhân dân và các nguồn lực của địa phương thấp, chưa bảo đảm yêu cầu của chương trình. Do đó để có vốn xây dựng NTM nếu chỉ trông chờ vào vốn địa phương và huy động trong dân thì quả là bài toán khó đối với Nam Định. Trong khi đó xây dựng NTM là một nhiệm vụ lớn, quan trọng, song các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành chưa kịp thời, đồng bộ, thời gian triển khai thực hiện lại gấp rút nên trong giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Cấp ủy, chính quyền một số xã chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc xây dựng thí điểm mô hình NTM chưa đầy đủ. Một số địa phương cho rằng, làm điểm sẽ được đầu tư nhiều nên trong xây dựng đề án mới chỉ quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa thật sự quan tâm đến các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, môi trường và nhất là việc tổ chức huy động nguồn lực của địa phương chưa bảo đảm yêu cầu của chương trình là huy động từ nội lực là chủ yếu, thậm chí còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào vốn Trung ương.

 Để tạo thuận lợi cho các xã ở Nam Định nói riêng và cả nước nói chung triển khai thực hiện đề án thí điểm xây dựng NTM cần quan tâm hỗ trợ về kinh phí; ưu tiên bố trí lồng ghép các dự án, chương trình mục tiêu cho các xã triển khai thực hiện các hạng mục công trình kinh tế xã hội nông thôn. Trước hết tập trung cho công tác quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp, giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi xã hội, cộng đồng như trường học, bệnh viện, trạm y tế, vệ sinh môi trường... Xây dựng NTM phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, giữ được bản sắc văn hóa của mỗi địa phương./.

Kiều Thắng Hoàng Hùng

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.