Những con số biết nói
Theo thống kê tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2016 - 2020 và Năm ATGT 2020, từ tháng 1-12 của năm 2020, cả nước xảy ra 12.985 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 6.048 người, bị thương 9.652 người. So với cùng kỳ, số vụ tai nạn giảm 2.900 vụ (giảm 18,26%), số người chết giảm 927 người (giảm 13,29%), số người bị thương giảm 2.492 người (giảm 20,52%).
“Trong vòng 10 năm qua, lần đầu tiên số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 7.000 người. Năm 2020 chắc đạt mục tiêu giảm 5 - 10% số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT” - ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia nhận định.
Có thể nói, sự chuyển biến tích cực về ATGT này dựa trên nhiều yếu tố, như việc áp dụng các chính sách pháp luật mới, nhiều công trình giao thông trọng điểm được đưa vào sử dụng, sự ảnh hưởng từ tác động tự nhiên.
Cụ thể như, kể từ đầu năm 2020, Nghị định 100 và Luật Phòng chống tác hại của rượu bia chính thức có hiệu lực. Với các quy định xử phạt nặng các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông của Nghị định 100 đã tác động tích cực đến ý thức tham gia giao thông của người dân. Sau một thời gian triển khai Nghị định 100, tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã giảm đáng kể.
Cùng đó, việc xử lý vi phạm ATGT qua hình ảnh được Bộ Công an tăng cường áp dụng trên nhiều tuyến đường, nhiều địa phương cũng góp phần lớn tác động vào ý thức chấp hành quy định ATGT của người dân khi tham gia giao thông. Để phát huy hiệu quả hơn nữa của việc xử lý vi phạm ATGT qua hình ảnh, Bộ Công an sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ phát hiện vi phạm, xử phạt qua hình ảnh.
Kết hợp với việc thực hiện chính sách mới, trong năm 2020, nhiều công trình giao thông hiện đại, mang tính chất trọng điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các công trình này góp phần làm giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo tính kết nối thông suốt, tạo sự an toàn cho người dân tham gia giao thông, cũng như tạo diện mạo đô thị hiện đại cho những nơi có công trình.
Cũng trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid – 19, để phòng chống sự lây lan từ dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành quy định về việc giãn cách xã hội. Việc đi lại của người dân trong thời gian giãn cách xã hội bị hạn chế cũng góp phần trong việc giảm số vụ tai nạn giao thông.
Đảm bảo ATGT gắn với phòng, chống dịch
Đánh giá về tình hình ATGT năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho hay, bên cạnh việc biểu dương các lực lượng liên quan về kết quả đạt được trong việc kéo giảm TNGT, tình hình giao thông vẫn diễn biến phức tạp.
Số người chết, bị thương vẫn nhiều, nhiều tỉnh vẫn để tai nạn tăng cao, vẫn xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan kinh doanh vận tải, số người chết do TNGT đường thủy tăng cao; tình trạng ùn tắc giao thông xuất hiện ở nhiều đô thị. Trong khi đó, năng lực thực thi pháp luật trong xử lý vi phạm giao thông còn hạn chế; một số người thực thi còn dung túng, tiêu cực; chậm và thiếu ứng dụng công nghệ giám sát xử lý vi phạm.
Tết Nguyên đán và các lễ hội xuân đang đến gần, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1711/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành địa phương bảo đảm trật tự, ATGT gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp lễ Tết.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, từ 15/12/2020 đến 28/2/2021, CSGT toàn quốc triển khai cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội năm 2021. Trọng tâm của đợt cao điểm này là bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy, phục vụ việc đi lại, vui chơi, lễ hội, vận tải hành khách, hàng hóa của nhân dân trong các dịp Tết và lễ hội đầu Xuân 2021, phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép...
Năm 2020, số người chết do TNGT đường thủy tăng cao, vì thế, cảnh sát đường thủy tập trung vào các đối tượng kinh doanh hàng hóa, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, vận tải hành khách ngang sông, theo tuyến cố định ở các tuyến vận tải trọng điểm như sông Hồng, sông Đuống, sông Lam, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu…
Sau Tết Nguyên đán, lực lượng cảnh sát sẽ tập trung rà soát các đối tượng và địa bàn có hoạt động ngang sông, dọc sông, theo tuyến cố định, các hoạt động du lịch, lễ hội, vui chơi, giải trí trên đường thủy nội địa.